Bà Trần Thị Mức, ngụ Đồng Tháp, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do chân trái đau nhiều, phải ngồi xe lăn, khó sinh hoạt. Ngày 9/1, ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết khớp háng ở hai chân của bà Mức đều bị hoại tử chỏm xương đùi nặng, tiến triển đến giai đoạn cuối. Xương ở chỏm xương đùi bị tiêu biến và ổ cối (nằm trong khung chậu, bao bọc lấy chỏm xương đùi) đã biến dạng.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm, làm giảm chức năng khớp háng nên bà bị teo cơ và loãng xương. Bà từng thay khớp háng phải 5 tháng trước, nay tiếp tục thay khớp háng bên trái.
Bà Mức mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường..., uống rất nhiều thuốc mỗi ngày, dẫn đến hội chứng Cushing. Đây là tình trạng rối loạn nội tiết và chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Khi kiểm tra để chuẩn bị thay khớp, bác sĩ phát hiện người bệnh bị hẹp động mạch vành ba nhánh, nguy cơ tử vong khi phẫu thuật khoảng 15%.
"Để giảm nguy cơ suy tim trong quá trình thay khớp, an toàn cho người bệnh, thời gian phẫu thuật cần được rút ngắn tối đa và giảm mất máu nhất có thể", bác sĩ Dương nói.
Trước khi thay khớp háng, người bệnh được gây mê thay vì gây tê tủy sống như các trường hợp khác. Bác sĩ Dương cho biết gây mê giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn và các cơ giãn ra, các thao tác thay khớp được thực hiện dễ dàng hơn. Nhờ đó, thời gian thực hiện ca mổ rút ngắn một nửa, còn 30 phút.
Bác sĩ Dương thay khớp háng cho bà Mức bằng đường mổ lối trước. Đây là kỹ thuật thay khớp không cắt cơ, giúp người bệnh phục hồi nhanh, giảm nguy cơ trật khớp trong tương lai. Đường mổ này cũng làm giảm mất máu, ít đau, sau phẫu thuật người bệnh có thể không cần dùng thuốc giảm đau, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch. Trong quá trình thực hiện, người bệnh được đặt nằm ngửa để điều chỉnh lại chiều dài hai chân.
Hai ngày sau phẫu thuật, bà Mức không còn đau, đi lại nhẹ nhàng. Sức khỏe phục hồi tốt, bà được xuất viện vào hôm sau. Hiện bà không phải dùng xe lăn, giảm đáng kể lượng thuốc uống mỗi ngày.
Bác sĩ Dương cho biết hoại tử chỏm xương đùi xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn. Các triệu chứng bệnh thường gặp bao gồm đau nhức khớp háng, cơn đau nặng hơn khi vận động, đứng lâu; người bệnh khó thực hiện các động tác liên quan đến khớp háng như xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép, gần như không thể ngồi xổm.
Ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh cần chú ý tình trạng cơ thể và đến gặp bác sĩ nếu phát hiện bất thường. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tàn phế rất cao.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |