Sau tai nạn, bà tỉnh táo nhưng không thể cử động, toàn thân đau dữ dội, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 5/9, BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, cho biết người bệnh gãy hai đốt sống và gãy xương gót chân trái, không thể ngồi hoặc trở mình. May mắn các mảnh vỡ xương gãy không chèn vào ống sống, không làm tổn thương tủy sống nên không gây yếu liệt hai chi dưới.
Người bệnh được phẫu thuật can thiệp tối thiểu bắt vít qua da nhằm làm vững cột sống và khôi phục vận động nhanh nhất. Bác sĩ mở các đường nhỏ khoảng 2 cm ở hai bên cột sống người bệnh, sau đó bắt vít vào thân đốt sống, đặt thanh nối các vít và cố định chúng lại với nhau. Người bệnh ít đau, giảm mất máu, hạn chế tổn thương mô và các cơ lân cận, phục hồi nhanh.
Máy chụp X-quang di động C-Arm và hệ thống kính vi phẫu phóng to phẫu trường hàng chục lần giúp bác sĩ quan sát rõ đường vào thân đốt sống, bắt vít chính xác, tránh nguy cơ gây tổn thương các rễ thần kinh, mạch máu hoặc ống tủy. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng một giờ, thời gian gây mê ngắn hơn nên lượng thuốc mê người bệnh hấp thụ cũng ít hơn.
Theo bác sĩ Xuân Anh, kỹ thuật này đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp phẫu thuật truyền thống như phải mở một đường mổ dài khoảng 20-30 cm, người bệnh mất nhiều máu, đau nhiều và có nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu...
Ngày đầu sau mổ, bà Phấn có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của khung tập đi, cảm giác đau giảm rõ rệt. Sau 4 ngày, bà xuất viện. Sau khi tái khám cắt chỉ ở lưng, bà sẽ được điều trị tổn thương ở xương gót chân.
Bác sĩ Xuân Anh cho biết phẫu thuật can thiệp tối thiểu là phương pháp điều trị tiên tiến ngày càng sử dụng phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp này có thể được chỉ định cho người bệnh mắc các bệnh lý về cột sống như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống, gãy nén cột sống, trượt đốt sống.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |