Theo BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, để đón Tết an vui, dù bận rộn, thai phụ vẫn nên ưu tiên chăm sóc sức khỏe của bản thân và thai nhi. Dưới đây là những việc thai phụ nên làm và tránh.
Hạn chế di chuyển đường dài
Bác sĩ Anh Thư cho biết thai phụ vẫn có thể di chuyển đường dài nếu sức khỏe cho phép. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thường đi lại thoải mái và an toàn nhất ở ba tháng giữa thai kỳ. Trong tam cá nguyệt thứ nhất có thể làm cho nghén nặng hơn. Tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu hạn chế di chuyển đường dài vì thai to, di chuyển lâu khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Khi di chuyển, thai phụ nên chọn những phương tiện an toàn như ô tô, máy bay hay tàu hỏa. Nếu thời gian di chuyển trên 5 giờ, chọn giường nằm thay vì ghế ngồi và có biện pháp dự phòng như không ngồi yên một chỗ quá lâu, không ngồi bắt chéo chân... để tránh tắc huyết khối tĩnh mạch chân.
Thai phụ có nguy cơ cao như tiền sản giật, dọa sinh non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược... tuyệt đối tránh di chuyển đường dài trong dịp Tết. Tốt nhất, chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để được tư vấn biện pháp dự phòng cụ thể.
Duy trì chế độ ăn uống khoa học
Thói quen ăn uống tùy tiện, không đúng bữa trong những ngày Tết ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thai phụ và thai nhi. Bác sĩ Anh Thư khuyến cáo thai phụ không bỏ bữa, chia nhỏ các bữa phụ để cung cấp năng lượng liên tục, tránh lượng thức ăn nạp vào cơ thể quá nhiều cùng lúc.
Đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không uống rượu bia và các chất kích thích. Ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành các tế bào trong cơ thể và trí tuệ, tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
Thai phụ cần hạn chế bánh chưng vì có thể gây chướng bụng, khó tiêu, nguy cơ tăng đường huyết ở những mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ. Tránh những thực phẩm ướp nhiều gia vị mặn do có nguy cơ tăng huyết áp.
Thực phẩm lên men như dưa muối, hành muối... chứa nhiều muối và nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình lên men rất cao. Những món chiên rán, nhiều dầu mỡ thường khó tiêu, nên hạn chế. Tránh mứt ngọt bởi chứa lượng đường, chất tạo màu, tạo mùi và chất bảo quản khá lớn.
Thai phụ nên ăn đủ chất, tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt trong mỗi bữa, uống 2-3 lít nước mỗi ngày để tránh thiếu nước và táo bón dịp Tết.

Thai phụ nên ăn các món bổ dưỡng, uống đủ nước trong những ngày Tết. Ảnh: Freepik
Nghỉ ngơi hợp lý
Tết là dịp người thân, bạn bè tụ họp, có nhiều hoạt động vui chơi khiến mẹ bầu dễ mệt mỏi. Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và thai nhi, thai phụ cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya.
Nên dành nhiều thời gian vào buổi tối để thư giãn và nghỉ ngơi sau một ngày nhiều hoạt động. Nếu khó ngủ, mẹ bầu có thể tắm nước ấm, uống cốc sữa nóng hoặc cốc trà thảo mộc để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Không làm việc nặng nhọc
Bác sĩ Anh Thư lưu ý thai phụ phải cẩn thận khi dọn dẹp, sửa soạn và trang hoàng nhà cửa. Cần đánh giá mức độ nặng nhẹ của công việc, tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi thực hiện.
Thai phụ cần kiêng mang vác các vật nặng, tránh các công việc đòi hỏi leo trèo, cúi gập người hay phải đứng quá lâu. Không làm công việc cần sử dụng thuốc xịt mũi, chất tẩy trắng... bởi các hóa chất này nếu hấp thu vào cơ thể có thể gây dị tật cho thai nhi. Phụ nữ mang thai ưu tiên làm các công việc như bày mâm ngũ quả, cắm hoa vừa nhẹ nhàng, vừa an toàn.
Hạn chế đến nơi đông người
Hành hương, thăm viếng chùa chiền, đi lễ hội cầu may mắn là một phần không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, mẹ bầu hạn chế đến những nơi đông người vì dễ va chạm, hệ miễn dịch yếu làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhang chứa nhiều hóa chất để tăng hương thơm và khả năng đốt cháy như benzen, axit photphoric... Thai phụ nên tránh và hạn chế tiếp xúc với khói nhang trong thời gian dài do có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thúy Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |