Trả lời:
Sở Y tế Hà Nội ghi nhận khoảng 28.480 ca sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 6/11. Số ca mắc có xu hướng tăng, trung bình mỗi tuần khoảng 2.400-2.700 trường hợp.
Thai phụ thường có miễn dịch giảm, dễ nhiễm trùng và mắc bệnh. Chị mang thai 18 tuần, mới bị sốt xuất huyết không nên quá lo lắng, cần giữ tinh thần thoải mái, hạ sốt, nghỉ ngơi hợp lý.
Chế độ dinh dưỡng cần tăng lượng chất lỏng, muối như nước trái cây giàu vitamin C, oresol, cháo, súp, giảm áp lực lên đường ruột.... Nên ăn đầy đủ nhóm chất, tránh đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Chị hạn chế ăn đồ ngọt trong thời gian mắc bệnh vì đường ảnh hưởng đến quá trình diệt vi khuẩn của cơ thể.
Trong những ngày đầu, mẹ bầu chưa sốt quá 38 độ chỉ cần chườm ấm, lau các vùng như trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt.
Trong quá trình theo dõi và điều trị tại nhà, chị có một trong các dấu hiệu bệnh nặng cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời. Triệu chứng như đau bụng dữ dội hoặc đau cơ; nôn liên tục (ít nhất ba lần trong một giờ); chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng; nôn ra máu, có máu trong phân; thở nhanh, khó thở; mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ...
Thai phụ không nên tự ý mua thuốc để uống. Sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai rất khó lường và diễn tiến nhanh. Khi đến viện, bác sĩ theo dõi liên tục tình trạng cho thai phụ, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ mẹ sang thai nhi, nguy cơ sẩy thai, thai lưu. Khi bệnh trở nặng, tiểu cầu hạ dễ gây ra các biến chứng nặng như xuất huyết, rau bong non, tiền sản giật... Trẻ sơ sinh có thể thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, kéo dài vài tuần sau sinh.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh
Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |