Ngày 20/2, ThS.BS Nguyễn Ngọc Tú, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết u máu bánh nhau khiến thai nhi bị thiếu máu, suy tim ở tuần 26. Bánh nhau là cấu trúc kết nối giữa tử cung và thai nhi có chức năng chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến thai nhi. U máu bánh nhau là khối u mạch máu chiếm tỷ lệ khoảng 1% ca mang thai. Khối u phát triển có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai, dẫn đến thai nhi chậm tăng trưởng, biến chứng khác như đa ối, thiếu máu, suy tim, phù thai... Tim thai giãn to khó hồi phục, cần giảm tải bởi tuần hoàn nhau thai bất thường gây ra do u máu bánh nhau.
Tuần thai 30, thai nhi được truyền máu trong tử cung đã cải thiện tình trạng thiếu máu song tim thai to, tràn dịch ngoài màng thai, dấu hiệu phù thai xuất hiện, nguy cơ mất tim thai. "Nguyên nhân suy tim nghi ngờ u máu bánh nhau", bác sĩ Tú nói. Trên siêu âm bánh nhau dày, nhiều tổn thương giảm âm kích thước lớn nhất 66x31 mm, hình ảnh của u máu bánh nhau.
Ở tuần 31, bác sĩ chỉ định sinh mổ để tránh nguy cơ thai nhi ngừng tim đột ngột trong bụng mẹ. Bé sinh non chào đời nặng 1,8 kg được êkíp bác sĩ hồi sức tim mạch.

Chị Hải bế con trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bé có bóng tim lớn, buồng tim giãn, sức co bóp tim giảm, suy hô hấp, được thở oxy máy, nuôi dưỡng bằng đường truyền trung tâm qua đường tĩnh mạch rốn, đồng thời truyền chất vận mạch tăng co bóp cơ tim. Sau hai ngày, bé được dừng thuốc vận mạch, hỗ trợ co bóp cơ tim dần ổn, chức năng tim tốt. Sau một tuần, bé hết phù, ăn tốt, tăng liều lượng sữa nhanh, được mẹ ấp kangaroo. Bé cai máy thở sau 11 ngày. Nhờ hạn chế ánh sáng và tiếng ồn nên hệ thần kinh của bé phát triển tốt.

Hình ảnh tim thai to trên siêu âm của chị Hải. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
BS.CKI Nguyễn Văn Toản, khoa Sơ sinh, cho biết u máu bánh nhau có kích thước lớn bất thường, cơn co tử cung có thể làm cuống rốn căng lên gây đứt nên thai phụ có thể phải sinh mổ. Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần theo dõi sự phát triển của thai nhi thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Hiện, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, máy móc hiện đại có thể phát hiện u máu bánh nhau sớm và can thiệp khi tuổi thai nhỏ.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |