Ngày 25/5, ThS.BS Nguyễn Thành Vinh, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nút thắt không chặt, máu và oxy vẫn lưu thông tới thai. Chị Trương Hải Ninh cần khám thai mỗi tuần một lần, khám ngay khi bất thường.
"Thắt nút dây rốn chiếm tỷ lệ 0,3-2% ca sinh, nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với thai kỳ bình thường" bác sĩ Vinh nói, thêm rằng thai nhi vận động, xoay chuyển, nhào lộn vô tình di chuyển qua các vòng cung của dây rốn tạo thành nút thắt.
Dây rốn có vai trò quan trọng đảm bảo sự sống, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể người mẹ sang thai nhi trong suốt thai kỳ. Dây rốn bị thắt nút cản trở quá trình này, thai nhi có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy thai, thai chết lưu, mất tim thai đột ngột. Hầu hết trường hợp này phải sinh mổ.
Bác sĩ theo dõi thai kỳ cho chị Ninh suốt 7 tuần, hướng dẫn tự theo dõi đếm cử động thai vào mỗi tối. Trong một tiếng nếu thai máy dưới 10 lần là dấu hiệu bất thường. Tuần thứ 38, chị đến viện siêu âm tim thai ghi nhận rối loạn nhịp. Bác sĩ Vinh chỉ định sinh mổ chủ động. Sau 4 ngày, hai mẹ con khỏe mạnh xuất viện.
Bác sĩ Vinh khuyến cáo thai phụ khám thai định kỳ để phát hiện sớm vấn đề sức khỏe. Nếu thai không máy hoặc không đạp ở những tuần cuối, thai phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất khám.
Thai phụ có nguy cơ cao thắt nút dây rốn khi mang song thai chung một bánh nhau, chung ối. Dây rốn thắt nút cũng liên quan đến bào thai nam, dây rốn dài, mang thai quá ngày, đái đường thai kỳ, cao huyết áp mạn, sinh nở nhiều lần, đa ối. Thai phụ trên 35 tuổi, thiếu máu, tiền sử sảy thai cũng gia tăng nguy cơ.
Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thai phụ được gắn máy theo dõi tim thai liên tục trên bàn sinh. Dây rốn khi thắt nút giảm tưới máu gây biến động tim thai được ghi nhận trên máy theo dõi. Bác sĩ phát hiện kịp thời phát hiện tình trạng chèn ép rốn có nguy cơ suy thai sẽ mổ cấp cứu kịp thời.
Thanh Ba