Chị Quyên phát hiện đa u xơ tử cung cách đây ba năm, song khối u nhỏ, chưa có chỉ định điều trị. Đầu năm nay, chị mang thai tự nhiên, siêu âm ghi nhận trong tử cung có thai nhi và 20 khối u kích thước khác nhau. Trong đó, u to nhất đường kính 7 cm.
Ở tuần thai thứ 28, bác sĩ chẩn đoán em bé chậm tăng trưởng do u xơ tử cung giành máu nuôi thai. Thai nhi nặng 800 g, trong khi cân nặng chuẩn phải đạt 1,1 kg.
Chị Quyên nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng, bổ sung dinh dưỡng, khám thai mỗi tuần. Khi thai được khoảng 31 tuần, chị bị vỡ ối. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cố gắng giữ thêm thai trong tử cung, tranh thủ thời gian giúp bé khỏe hơn. Song vì nước ối cạn, ê kíp phải mổ lấy thai sau 24 giờ ối vỡ.
Ngày 25/1, TS.BS Nguyễn Thị Yến Thu, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết quá trình mổ lấy thai thuận lợi, song không thể bóc u trong cùng cuộc mổ vì sản phụ bị mất máu, nguy cơ băng huyết cao. Hậu phẫu, chị Quyên phải truyền 350 ml máu bổ sung.
Bé gái sinh non nặng 1,3 kg (bình thường tuổi thai này phải đạt gần 1,7 kg), được thở máy không xâm lấn. Đến ngày thứ 10, bé tự thở, được mẹ ấp kangaroo (phương pháp chăm sóc da kề da), hồi phục và phát triển tốt.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, cho biết sau 1,5 tháng nuôi dưỡng, bé nặng 2,1 kg, bú được 50 ml sữa mỗi cữ, xuất viện.
Chị Quyên cần tái khám thường xuyên, được phẫu thuật bóc u sau 6-12 tháng nếu khối u tiếp tục gia tăng kích thước hoặc gây biến chứng nguy hiểm như rong kinh, rong huyết.
Theo bác sĩ Yến Thu, trong thời kỳ mang thai, tỷ lệ mắc bệnh u xơ tử cung 3-12%. U thường có khuynh hướng phát triển nhanh, tăng kích thước trong thai kỳ do tăng nồng độ estrogen.
Nghiên cứu năm 2022 của nhóm tác giả đến từ nhiều bệnh viện tại Trung Quốc theo dõi khoảng 313.910 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, xác suất mắc u xơ tử cung khi mang thai xấp xỉ 4%. Trong số này, thai phụ sinh non trước 37 tuần chiếm tỷ lệ 1,2-1,6%. Sinh non dưới 34 tuần khoảng 1,3-2,2%, tỷ lệ vỡ ối sớm 1,7% so với thai kỳ bình thường. Các biến chứng khác như nhau bong non, mổ lấy thai, xuất huyết sau sinh đều có nguy cơ cao hơn.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu cơ chế u xơ tử cung dẫn đến sinh non. Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết cho rằng hoại tử u xơ trong quá trình mang thai dẫn đến sinh non. Mô hoại tử tiết ra các cytokine và protein. Những protein này thúc đẩy phản ứng viêm, sinh non tự phát.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ có u xơ tử cung cần theo dõi thai kỳ. Một số khối u lớn, không thể bóc tách trong cuộc mổ bắt con, bác sĩ phẫu thuật cho người mẹ sau 6-12 tháng.
Tuệ Diễm
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |