Hôi miệng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng khiến nhiều người lo lắng, tự ti khi giao tiếp. Dưới đây là giải đáp các câu hỏi về tình trạng này.
Thức ăn ảnh hưởng đến hơi thở thế nào?
Tỏi, hành, gia vị cay, đồ ngọt có thể để lại mùi nồng sau khi ăn. Cà phê, rượu cũng là tác nhân gây khô miệng, dẫn đến mùi hơi thở. Sau khi tiêu thụ những thực phẩm này, bạn có thể nhai kẹo bạc hà, đánh răng, súc miệng hoặc uống nước.
Tại sao thói quen xấu lại gây hôi miệng?
Vệ sinh răng miệng kém gây kích ứng nướu, viêm và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển. Đánh răng một ngày hai lần, súc miệng, dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn giúp loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám.
Hút thuốc lá gây ra mùi hôi do làm giảm lượng nước bọt, dẫn đến khô miệng. Các hóa chất cũng bám vào răng, nướu và nhiều mô mềm khác trong miệng khiến hơi thở có mùi. Biện pháp khắc phục là đánh răng, súc miệng, nhai kẹo cao su và quan trọng nhất là bỏ thuốc lá.
Bệnh lý nào khiến hơi thở có mùi?
Đánh răng ngăn chặn vi khuẩn trong thức ăn mắc kẹt trên răng, nướu phát triển. Tuy nhiên, không phải lúc nào đánh răng cũng giúp khắc phục hôi miệng. Tình trạng này có thể do nhiều bệnh lý.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Rối loạn tiêu hóa khiến các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản gây hôi miệng, hơi thở có mùi. Người bệnh thường ợ nóng, có vị chua hoặc đắng trong miệng.
Sâu răng: Vi khuẩn gây hôi miệng ẩn náu trong các lỗ sâu trên răng, khiến khó loại bỏ.
Khô miệng: Tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt gây ra khô miệng. Lúc này vi khuẩn tích tụ trên răng, gây hôi miệng và tăng nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng.
Bệnh gan: Trong một số trường hợp, người bệnh gan nhận thấy hơi thở có mùi trái cây. Các triệu chứng khác như vàng da và mắt, suy thận, ăn mất ngon, dễ bầm tím, tĩnh mạch hình mạng nhện trên da, mệt mỏi, giảm cân.
Tăng đường huyết: Tích tụ ceton trong máu có thể xảy ra khi tăng đường huyết, dẫn đến hơi thở có mùi trái cây. Mức đường huyết rất cao, mất nước, thiếu tỉnh táo, mất ý thức cũng là những triệu chứng tăng đường huyết.
Làm thế nào giảm hôi miệng?
Đánh răng: Đánh răng hai lần một ngày sau bữa ăn, bằng kem đánh răng chứa florua, có đặc tính kháng khuẩn để giảm mùi hôi miệng.
Súc miệng: Duy trì thói quen này thường xuyên sau khi đánh răng, làm sạch kẽ sâu trong khoang miệng và giữ cho hơi thở thơm mát. Súc miệng cũng giảm đau, hỗ trợ điều trị vết loét trong miệng.
Ăn nhiều trái cây: Dứa giàu vitamin C góp phần giảm nguy cơ viêm nướu, ăn dưa chuột kích thích tiết nước bọt làm sạch miệng, loại bỏ hơi thở có mùi. Uống đủ nước để nước bọt tiết ra nhiều hơn giữ miệng sạch sẽ, ngăn vi khuẩn có mùi.
Nhai kẹo cao su: Kích thích tiết nước bọt có thể giảm mảng bám gây sâu răng, hôi miệng.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |