'Tết thầy'
Ở Việt Nam, Tết đầu năm là thời điểm thiêng liêng, rất được coi trọng. Người Việt thường dành tới ba ngày để sum họp gia đình, gặp gỡ người thân. "Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy", quan niệm lâu đời này cho thấy, những ngày khởi đầu năm mới, không chỉ là dịp để nghỉ ngơi (ăn Tết, chơi Tết) mà còn là thời điểm để làm việc lễ, việc nghĩa (đi chúc Tết).
Điều đó đủ cho thấy, để duy trì sự tồn tại của mỗi chúng ta, công sức dạy dỗ của thầy cô cũng to lớn, quan trọng. Không phải ngẫu nhiên, hàng nghìn năm trước, đã có câu ca nhắc nhở người con rằng: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; hay "Không thầy đố mày làm nên". Như vậy, đi chúc Tết thầy cô không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhu cầu, đạo lý làm người "Uống nước nhớ nguồn".
Chúc Tết thầy cô vừa là dịp chơi xuân, nhưng lại mang những ý nghĩa giáo dục tích cực. Trò thể hiện được lòng thành kính, tôn sư trọng đạo; thầy thêm phấn khởi, trọng nghề, ý thức hơn về chuyên môn và phẩm giá, xứng đáng với sự tôn vinh của học trò và phụ huynh. Xét ra, việc "Tết thầy" là phong tục mang nhiều ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, xuất phát từ sự tự nguyện, thôi thúc, từ bên trong mỗi con người.
Ai trên đời mà không có nhu cầu ghi nhớ, tri ân với những người đã cho ta, vì ta? Và người ta đi chúc Tết với tâm trạng thoải mái, thỏa nguyện và luôn chú ý đến việc giữ lễ (lễ phục chỉnh tề, mặt mũi hân hoan tươi tỉnh; lễ vật trang trọng, tấm lòng thành kính).
>> Tri ân thầy cô bằng phong bì hay hiện vật?
Buồn - vui 'Tết thầy'
Ý nghĩa là vậy, nhưng thực tế chuyện "Tết thầy" cũng nhiều chuyện oái oăm. Thời xa xưa, về lễ vật, thường không ai đặt nặng giá trị vật chất. Ngày ấy, làng xã không có trường lớp công, nhà giàu mới đủ cơm gạo thuê thầy về dạy. Học trò thì ngoài con cháu nhà chủ, còn những đứa trong làng trong xóm, cũng chỉ dăm bảy đứa. Với thầy ở xa, gia đình thường đi chúc Tết trước, vào những ngày cuối năm, để thầy còn về quê. Ngoài mấy quan tiền trả tiền công, thì lễ vật "Tết thầy" cũng chỉ là vài cặp bánh, hoặc ít sản vật địa phương.
Thời kháng chiến, hồi học cấp I, chúng tôi không biết đi "Tết thầy" là gì? Sang cấp II, cấp III, cũng chỉ mang biếu vài lạng chè, gói thuốc, gói bánh... Cả đám bạn trong lớp, góp nhau mỗi đứa một thứ, cũng không để đến mùng Ba mà có khi mùng Một, mùng Hai đã khéo nhau đến nhà thầy.
Nhớ lại, Tết những năm 1971, chiến tranh nghèo đói, chúng tôi đến nhà thầy Lê Xuân Phượng, quê ở Hoàng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Tết ngừng bắn mấy ngày, xuống nhà thầy phải đi bộ tới hai chục cây số, rồi qua đò, qua cầu Hàm Rồng. Một đoàn, mươi đứa chúng tôi nhem nhuốc, lếch thếch, với vài "lễ vật" nghèo nàn. Đi "Tết thầy" nhưng cũng là dịp để chúng tôi kéo nhau đi chơi xa, nên đứa nào, đứa nấy đều rất hăng hái nhiệt tình.
Gia đình thầy "hạ cỗ đãi trò". Bụng thì đói, suy nghĩ lại trẻ con, nên dù chúng tôi kìm nén lắm, nhưng quay đi quay lại, mâm bánh chưng, bánh rán... của thầy đã vơi hẳn. Bây giờ, nghĩ lại, tôi thấy thật thương thầy, thương cô, không khéo Tết ấy cả nhà thầy phải cơm với canh rau dưa như ngày thường. Chuyện xưa, học trò đi Tết thầy, giờ kể lại mà tôi vẫn rơi nước mắt.
Ở xã tôi, Thiệu Quang, có mấy thầy giáo dạy ở xã dưới. Các bạn dưới đó được cái nhiệt tình, năm nào cũng đến chúc Tết thầy rất sớm. Có năm, mới vừa sáng mùng Một, chưa ai ra đường, lũ học trò đã thập thò ngoài ngõ. Thầy phải thay vội quần áo, lập cập ra đón. Quà cáp cũng chỉ có vài gói chè, thuốc lá, dăm quả cam được trịnh trọng đặt lên bàn. Rồi một cậu học trò bạo dạn nhất thay mặt phát biểu chúc thầy và gia đình "năm mới thắng lợi mới", "tích cực tăng gia sản xuất", "thật vui, thật khỏe, gặp nhiều may mắn".
Cỗ cúng chưa xong, bánh chưng có mươi cái, thầy đã phải hạ xuống; vài ba nắm chè lam cắt ra; thêm mấy gói kẹo cánh gián... thế là đám trẻ ba bốn chục đứa, mỗi đứa nhón vài lần, đã gần hết đồ nhà thầy. Có điều, nhà nghèo nhưng các thầy, ai cũng cảm thấy hãnh diện và tự hào, vì trong làng ít có có gia đình được chúc Tết đông vui như vậy. Và hình ảnh cuộc gặp ngày xuân vô tư, ấm cúng của thầy và trò ấy luôn theo suốt cuộc đời của những đứa học trò chúng tôi đến tận bây giờ.
>> Ngộ nhận 'tăng lương giáo viên vì nghề cao quý'
'Đi thầy' chúc Tết
Ngày nay, kinh tế khá hơn, nhưng việc "Tết thầy" không còn được giữ như xưa. Thực tế, không phải ai cũng máy móc đợi đến mùng Ba Tết mới "đi thầy". Bởi, trong năm vẫn còn ngày Nhà giáo Việt Nam, 8/3 hay 20/10 để người ta tranh thủ đến chúc thầy cô. Lễ vật bây giờ thường là lẵng hoa, hoa quả tượng trưng, còn thứ chính là phong bì. Với các cháu mẫu giáo, học sinh tiểu học, thậm chí trung học, gần như phụ huynh, rồi Hội phụ huynh làm thay hết phần việc này cả, nên học sinh có khi chẳng bao giờ đến thăm thầy.
Cá nhân học sinh, hay phụ huynh ngày nay muốn đến thăm thầy, ngoài tiền đóng góp quỹ chung, lại phải tự chuẩn bị thêm quà riêng. Nói chung, mỗi chỗ làm một kiểu, nhưng động cơ thì rất đa dạng. Nhiều người vì lòng kính trọng, biết ơn thầy cô, nhưng cũng không hiếm phụ huynh chỉ vì mong muốn con mình được quan tâm, ưu ái điểm số nên năng thăm thầy. Việc nghĩa bỗng nhuốm màu tiêu cực từ đây.
Thậm chí, có phụ huynh không nói "đi Tết thầy", mà rỉ tai nhau "đi thầy chưa?". Cũng có trường hợp thấy cả lớp ai cũng "đi thầy", mỗi nhà mình không cũng sợ con bị phân biệt đối xử, nên cha mẹ đành phải miễn cưỡng đi biếu thầy. Lễ vật giờ đổi thành phong bì cũng không phải chuyện đơn giản hóa. Tôi từng nghe phụ huynh nói chuyện với nhau:
"- Hôm qua, phong bì 'đi cô' bao nhiêu?
- Hai triệu.
- Ôi trời, thế là hết cả nửa tháng lương à?
- Thế mà còn lăn tăn lắm, hỏi ai cũng nói năm triệu cơ".
Thế đấy, với những nhà có điều kiện, dăm ba triệu đồng "đi thầy" không thành vấn đề, nhưng những nhà nghèo thì sao? Kể cả giáo viên, chắc có người cảm thấy khó xử khi nhận những món quà vật chất ấy. Tất nhiên, không phải thầy cô nào cũng có "quà Tết" như vậy. Nhất là các giáo viên ở vùng quê, đôi khi nhận được mấy gói kẹo, bánh đã là lớn lắm rồi. Nói vui, giờ đạo học chênh chao, nên việc "Tết thầy" cũng đi xa ý nghĩa ban đầu của nó.
>> Tôi bỏ nghề giáo thay vì dạy thêm kiếm tiền
Giữ lấy 'Tết thầy'
Như đã nói ở trên, "Tết thầy" vốn là một phong tục tốt đẹp từ xa xưa, không nên và không thể vì lý do gì mà loại bỏ được. Vấn đề là chúng ta cần thay đổi như thế nào để giữ được ý nghĩa tốt đẹp của phong tục đó? Thực tế, ngày lễ, Tết, nhà các thầy cô dạy môn chính, hay giáo viên chủ nghiệm luôn ngập tràn hoa, quà biếu, nhưng nhiều thầy cô môn phụ phải đóng cửa vì vắng vẻ. Điều ấy liệu có làm giảm nhiệt tình của người thầy khi đứng lớp?
Học trò, rồi nhất là phụ huynh cũng lâm vào tình trạng khó xử. Học nhiều môn, nhiều thầy, nếu nhà nào có hai, ba đứa con cùng đi học thì chuyện phong bì Tết thầy cũng trở thành một gánh nặng. Việc hay bỗng trở thành không hay. Tất nhiên, khi còn là học sinh, ai cũng muốn được trực tiếp đến thăm và chúc mừng thầy cô đang dạy mình, cũng không ai muốn đến bằng tay không. Nhưng lễ vật như thế nào để đủ trang trọng mà không làm khó cho cả thầy và trò mới là điều cần bàn. Có điều, dứt khoát nên bỏ chuyện Hội phụ huynh thu tiền "đi thầy cô" thay cho lớp. Đây không phải chuyện nghĩa vụ mà phải nhờ người khác).
Và liệu có nên dùng lễ vật là phong bì? Phong bì chỉ hợp khi đi thăm người thân, khi khó khăn bệnh tật, hay hiếu - hỷ. Còn trong ngày 20/11, ngày Tết đầu năm, tiền biếu không làm tăng uy tín cho nghề dạy học. Liệu chúng ta có đang dạy những công dân tương lai cách thức giải quyết mọi việc bằng phong bì? Có cách gì để ngày lễ Tết, không cần "kẻ trung gian" phong bì, mà thầy trò vẫn bên nhau trong niềm vui như cha mẹ ở bên con cái? Khi đó, trong mắt thầy cô cũng không phải phân biệt học sinh giàu hay nghèo.
Theo tôi, quà phong bì, nếu có, phải mang ý nghĩa như món tiền vừa phải của con cái biếu bố mẹ già. Tốt nhất chỉ nên tặng phong bì khi thăm lại thầy cô giáo cũ, khi mỗi người đã trưởng thành và có công việc riêng. Tùy điều kiện, không gian, thời gian, tùy tâm của mỗi người, có phong bì cũng được, mà không cũng chẳng sao.
Người Nhật có câu thơ rất hay: "Chân thành nhất những ai đến sau mùa hoa nở". Lúc đang học, Tết thầy rất đẹp, nhưng còn đẹp hơn khi ta đã xa những mùa thi. Những ai từng bôn ba, lăn lộn, mưu sinh qua bao miền đất lạ, với bao chuyện buồn - vui của hiện tại, mà trong lòng vẫn còn hình bóng chiếc ghế học trò; cái bàn nham nhở đủ hình vẽ, chữ viết thuở cắp sách tới trường; vẫn còn văng vẳng bên tai tiếng thầy cô giảng bài; như còn thấy nét chữ của cô thầy trên tấm bảng đen... khi đó mới thật đáng quý biết bao.
Thật ra, tuổi già, chẳng mấy thầy cô cần đến lễ vật quý giá này nọ. Một cuộc điện thoại hỏi thăm, một lời chúc trên mạng xã hội, hay nếu có điều kiện, nhân tiện bạn bè hội tụ, rủ nhau đến thăm thầy cô một bữa... còn đáng quý hơn rất nhiều chiếc phong bì. Chỉ như vậy, cũng đủ làm ấm lòng những người làm nghề dạy học.
>> Thầy dạy giỏi, trò không cần học thêm
Hiện nay, các cựu học trò thường tổ chức họp khóa, họp lớp. Trong sự kiện này, các thầy cô cũ thường được trân trọng mời tới dự. Tôi cũng từng được mời, và cũng từng thay mặt các bạn đi mời các thầy cô của mình năm xưa. Một tấm thiệp trang trọng, một chiếc xe đưa đón, lũ học trò nhút nhát năm xưa nay tóc đã hoa râm, ríu rít ùa ra đỡ thầy cô - những ông lão bà lão tóc bạc trắng - bước vào phòng, tất cả cùng nhau xếp hàng chụp ảnh, tay thầy cô ôm bó hoa, thêm chút quà nhỏ... là đủ. Tôi tin, không có lễ vật, tiền tài nào có thể đổi được những giây phút ngập tràn niềm niềm vui và hạnh phúc như vậy.
Thực ra, không phải các nhà quản lý Việt Nam không "quan tâm đến giáo dục". Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11 thường được tổ chức rất rầm rộ, lễ kỷ niệm, thư mừng, bao nhiêu lời lẽ quý báu vẫn được vang lên mỗi năm. Đọc báo chí, tôi thấy nói ở Nhật không có ngày Nhà giáo. Cá nhân học trò và cả quan chức Nhật không "đi Tết thầy". Họ có cách tôn vinh độc đáo khác, không chọn một ngày vinh danh cụ thể vì "quan tâm đến giáo dục " quanh năm. Như học trò tự tổ chức giờ sinh hoạt để các bạn trong lớp gửi những tấm thiệp, lời chúc mừng trực tiếp với thầy cô.
Chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp... tùy vào khả năng của mình mà tìm cách thể hiện sự quan tâm đến tất cả các thầy cô, bất kể dạy ở đâu. Ví dụ như giảm giá phương tiện giao thông, xem phim, tham quan, có dịch vụ ưu tiên... và duy trì hằng ngày những nghi thức tôn kính. Tất nhiên, vật chất có khi chỉ là tượng trưng, nhưng sự "tôn sư trọng đạo", luôn hiện diện mọi lúc, mọi nơi, quanh năm, chắc chắn như lời nhắc nhở trách nhiệm, cũng như lời động viên của cả xã hội đối với những người đang trực tiếp đào tạo nhân lực cho xã hội tương lai.
Ở Việt Nam, chúng ta từng có cách làm hay là tôn vinh lực lượng công an bằng hành động cụ thể như lo Bảo hiểm y tế cho bố mẹ, vợ con của từng chiến sĩ. Vậy sao ngành giáo dục, nơi quyết định cho sự phát triển tương lai của đất nước, mà sự tôn vinh chỉ trông chờ vào lòng tốt của phụ huynh có con đang học, và cũng chỉ vào một vài thời điểm trong năm? Thực ra, đối với giáo dục, cũng không cần phải bỏ tiền ra "đi Tết thầy" vào dịp này nọ, mà chỉ cần khơi dậy lòng "tôn sư trọng đạo" của cả xã hội bằng những chính sách, hướng dẫn thiết thực. Lúc ấy, xã hội sẽ có cách quan tâm đến các nhà giáo hiệu quả.
Đừng biến chuyện đẹp thành lệ xấu. Đừng để sau ngày lễ Tết, thầy này hớn hở, còn cô kia buồn tủi, chạnh lòng. Hãy giữ cho phong tục "Tết thầy" những giá trị văn hóa, những ý nghĩa tích cực, tốt đẹp mà cha ông đã tạo dựng cả nghìn năm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.