Thời gian qua, có nhiều bài viết xung quanh câu chuyện dạy thêm và học thêm tại Việt Nam. Không ít người lý giải cho tình trạng này như: "Giáo viên dạy thêm, học sinh mới hiểu hết kiến thức", hay "Dạy thêm vì chương trình học quá nặng"... Có người còn đổ lỗi "Phụ huynh châm ngòi dạy thêm tràn lan". Cá nhân tôi phản đối việc học thêm, dạy thêm dưới mọi hình thức ép buộc.
Tôi vốn là một giáo viên phổ thông, nhưng chưa bao giờ bắt học sinh của mình phải đi học thêm với mục đích kiếm tiền. Khi có gia đình, đúng là tôi cũng rất cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, trong khi đồng lương giáo viên lại ít ỏi. Vậy là tôi quyết định bỏ luôn nghề giáo để ra ngoài kiếm việc khác nhiều tiền hơn. Dù có khó khăn thế nào, tôi cũng không bao giờ kiếm tiền từ các học sinh và phụ huynh.
Đứng trên góc độ một phụ huynh có con đang tuổi đi học, tôi có thể khẳng định rằng đa số cha mẹ đều không muốn cho con mình học thêm, ở chính thầy cô dạy trên lớp hàng ngày. Nhưng họ lại bị ép buộc với nhiều cách khác nhau, sợ con chịu hậu quả, nên đành nhắm mắt đăng ký. Bây giờ, chuyện thi vào đại học cũng không phải quá khó, áp lực vào đại học cũng không quá ghê gớm đến mức người ta phải sống chết cho con đi học thêm bằng được. Cứ nhìn các lò luyện thi đại học hầu như đã "chết" hết là đủ thấy nhu cầu học thêm thực tế đang là thế nào?
>> Thầy dạy giỏi, trò không cần học thêm
Thử hỏi, nếu học thêm mà phụ huynh không phải đóng tiền thì có bao nhiêu thầy cô xung phong dạy cho học sinh? Thế nên, xin đừng dùng những mỹ từ như "muốn tốt cho học sinh", "cái tâm với nghề" để che đậy mục đích thực sự của việc dạy thêm. Cũng đừng đổ lỗi học sinh hay phụ huynh châm ngòi nạn dạy thêm, học thêm tràn lan. Với tôi, "không có học sinh dốt, chỉ có giáo viên tồi". Hãy cho các em được tham gia các câu lạc bộ theo sở thích ngoài giờ học thay vì ép chúng phải tới những lớp học thêm mệt mỏi.
Ngày xưa, thời của chúng tôi chỉ có hai kiểu học thêm: bồi dưỡng học sinh giỏi
và phụ đạo học sinh kém. Một điểm chung của tất cả các lớp học thêm kiểu này là tất cả đều miễn phí. Việc làm đó đủ cho thấy cái tâm trong sáng, trung thực, hết lòng vì học sinh. Còn giờ đây học sinh bị biến tướng nhiều, người ta dạy thêm tối ngày vì những mục đích khác nhau chứ không còn đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.
Học là một hành trình cả đời, vậy nên, đừng bắt các em phải học hết mọi thứ và giỏi toàn diện. Thay đổi được từ mục tiêu cốt lõi của giáo dục, tôi tin nạn dạy thêm sẽ tự bị triệt tiêu.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.