(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ngày mai có cuộc họp phụ huynh cho con học tiểu học, nhưng tôi cảm thấy vô cùng ngại. Không phải vì con tôi học kém (con tôi đã rất cố gắng trong năm vừa qua và cháu cũng có kết quả tốt) mà là vì câu chuyện học thêm - căn bệnh thành tích trong giáo dục từ giáo viên và phụ huynh. Gọi là bệnh vì nó ảnh hưởng xấu đến học sinh và xã hội. Bản thân tôi thấy căn bệnh này hiện nay đang quá nhức nhối. Thế nhưng, phải đến khi có con học tiểu học, tôi mới hiểu được cụ thể những tiêu cực đó.
Trên nhóm chat của hội phụ huynh lớp con tôi, vị trưởng ban phụ huynh ngang nhiên nhắn tin đề cập đến chuyện đi học thêm ở nhà cô trong quá trình năm học đang diễn ra. Dù mới chỉ sắp hết kỳ, học sinh chưa nghỉ hè nhưng đã có lịch học hè cho các cháu học thêm, và thông báo đến cho từng bậc cha mẹ. Như vậy liệu có một "nhóm lợi ích" nào ngay trong hội phụ huynh lớp tiểu học?
Tôi cũng là giáo viên, cũng từng dạy thêm, nhưng tôi hiểu tổ chức dạy thêm chính những học sinh trong lớp của mình ở trường thì không bao giờ có công bằng cho các học sinh khác, đặc biệt nếu cô dạy thêm để có thu nhập. Tôi đã từng dạy thêm học sinh ở lớp của mình và chỉ một lần, không bao giờ làm lại điều đó. Thế nhưng, có những giáo viên dạy trên lớp một cách phi giáo dục kiểu luyện thi học kỳ, ra những dạng bài mà chỉ học sinh đi học thêm mới làm được... Và còn cả trăm ngàn chiêu trò khác. Tất nhiên cũng một phần là do bệnh thành tích từ trên đẩy xuống, nhưng gặp phải từng thầy cô mà mức độ nặng, nhẹ lại khác nhau, tùy vào cái tâm và hoàn cảnh từng người.
>> Tôi may mắn khi không phải học thêm giáo viên chủ nhiệm
Rõ ràng, cái "lợi ích" tôi đang nói cũng xuất phát từ bệnh thành tích đã ngấm vào từng bậc cha mẹ. Lợi ích ở đây chính là tấm giấy khen, sản phẩm của căn bệnh thành tích. Nguy hại hơn, các kết quả này lại được dùng để xét vào các trường chuyên, vì vậy phụ huynh càng dồn lực vào để chạy đua cho con có một bảng điểm đẹp nhất có thể.
Xã hội bây giờ có phần cởi mở hơn, nếu có điều kiện kinh tế, bạn có thể cho con học trường tư, đi nước ngoài du học... Thi vào học đại học rất dễ và có bằng cũng dễ. Nhưng tính cạnh tranh đào thải xuất hiện khi đi làm sẽ lộ rõ điểm mạnh, yếu của từng người. Có điều đó chỉ là thực tế ở các công ty doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài, còn các cơ quan Nhà nước thì sao? Liệu những tấm bằng, bảng điểm xuất sắc và giỏi kia có giá trị đến mức nào? Không cần nói chắc ai cũng hiểu.
Lại nhớ câu nói của một người bạn của tôi: "Làm gì có công bằng, vì khi được sinh ra bạn đã là con nhà nông dân nghèo hoặc gia đình giàu có, quyền chức khác nhau rồi". Nhưng tôi nghĩ công bằng vẫn là niềm khao khát của số đông.
Cũng có câu: "Ai mà chẳng có lỗi lầm, nhưng một hành động sai lầm thì dễ sửa hơn một tâm hồn lầm lạc". Ít nhất, tâm hồn tôi cũng chưa lầm lạc khi viết lên những tâm sự này, và chắc chắn tôi sẽ sửa sai nếu không may lầm lỡ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.