Chia sẻ về câu chuyện nghề giáo, nhiều độc giả VnExpress đề cao vai trò quan trọng của công việc dạy học, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đặc biệt với những người làm nhiệm vụ "trồng người":
Với tôi, nghề giáo và nghề y không chỉ là nghề để mưu sinh, mà phải coi như một "tín ngưỡng". Giáo viên khi bước vào lớp, bác sĩ khi vào bệnh viện, phải bỏ hết những ưu tư, phiền muộn, toan tính cá nhân ở bên ngoài, để tập trung hoàn toàn vào học trò, bệnh nhân. Và khi đã xác định "tín ngưỡng" này của mình, họ sẽ chấp nhận những thử thách, gian khổ của nghề. Đổi lại, họ sẽ có được một nhân cách, một lý tưởng mà chính bản thân họ sẽ tự hào.
Nghề giáo là một nghề rất khó, không phải khó về truyền đạt kiến thức mà là gieo mầm nhân cách sống cho thế hệ trẻ, thế hệ của tương lai. Không phải ai mang danh nghĩa thầy cô, đứng trên bục giảng cũng đều hiểu được sứ mệnh nhân văn của mình. Trao đi kiến thức chỉ là một phần của công việc, cho họ mong muốn được là "người" đúng nghĩa mới là mục đích cuối.
Nhiều giáo viên trẻ hiện nay không ý thức được cái tâm trong nghề, nhất là những giáo viên có "chống đỡ" thường tỏ ra coi thường những đồng nghiệp khác, tính toán lợi lộc và cách cư xử không phải là người đi dạy học.
Tôi tin ngoài kia không thiếu những thầy cô biết "yêu con người", bởi họ chọn đúng nghề mà mình muốn gửi gắm tâm hồn mình trong đó. Một số đã chọn sai vì một lẽ "chuột chạy cùng sào". Cái sai của ta trong quá khứ, đó là đã quá dễ dãi chỉ vì con số chỉ tiêu. "Lượng đổi dẫn đến chất đổi" là vậy. Nhân đây, xin nhắc lại lời của cổ nhân: "chọn sai nghề thầy thuốc là giết chết một mạng người. Chọn sai nghề địa lý là giết chết một dòng họ. Chọn sai nghề nhà giáo là giết chết một thế hệ. Chọn sai nghề văn hóa là giết chết một dân tộc". Do đó, chúng ta phải có cách chọn người, chọn nghề cho đúng đắn.
>> Nghiệp dạy học hay nghề kiếm cơm
Trong khi đó, không ít ý kiến lại có góc nhìn khác khi cho rằng cần "sòng phẳng" với nghề giáo để có chính sách đãi ngộ với giáo viên công bằng như các ngành nghề khác trong xã hội:
Ngành nghề nào cũng phải tuân theo quy luật thị trường, không thể kêu gọi giáo viên phải thế này thế nọ trong khi lương, chế độ đãi ngộ với họ chưa tương xứng. Giáo viên cũng là con người, họ cũng có gia đình, con cái để lo. Hãy cải cách chế độ cho giáo viên thì tự nhiên những người giỏi sẽ thi vào sư phạm thôi.
Theo tôi, chúng ta nên "sòng phẳng" với nghề giáo, nghĩa là chúng ta không cần coi "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" mà hãy coi đó cũng là một nghề như bao nghề khác và được trả lương xứng đáng. Không thể trả lương bèo bọt, rồi vỗ về nhau rằng "đó là nghề cao quý". Chỉ như vậy, chúng ta mới động viên, huy động được tâm huyết, sức lực, trí tuệ và cả trách nhiệm của những người thày, người cô.
Cuộc sống có người này, người khác. Đòi hỏi toàn bộ thầy cô phải tốt hay toàn bộ học sinh phải ngoan là bất khả thi. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, nghề giáo không còn được coi trọng. Chủ trương "lấy người học làm trung tâm" khiến người giáo viên phải nỗ lực phục vụ cho các học sinh trong lớp. Trong khi đó, đồng lương thấp, chỉ tiêu từ bên trên, tâm lý phản kháng của học sinh khiến giáo viên ngày càng thêm áp lực. Đặc biệt, khi có gì xảy ra, búa rìu dư luận đều bổ vào thầy cô giáo. Không ai thông cảm với giáo viên, cng không ai quan tâm xem con cái của giáo viên như thế nào nếu họ mất việc? Làm nghề giáo hay bác sĩ tất nhiên cần yêu con người, nhưng làm sao để tuyển được toàn những người tốt vào ngành giáo dục, ý tế mới là vấn đề. Thầy cô cần nỗ lực để có lòng bao dung, thấu hiểu. Học sinh cũng cần học cách không xem mình là trung tâm. Ai cũng phải học cách chấp nhận sự bất tiện mà người khác đem lại. Hơn ai hết, ta cần học cách tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Nói về vấn đề cần bằng giữa yêu cầu với nghề giáo và chê độ đãi ngộ tương xứng với giáo viên, độc giả N.phan1020 nêu quan điểm:
"Tôi nhớ đến một nhận định rất hay của một người truyền cảm hứng rằng: Chúng ta đang xem và đối xử với giáo dục như một ngành công nghiệp. Ở đó, học sinh là các sản phẩm, các cỗ máy được sản xuất ra theo quy trình khép kín; các môn học, các chứng chỉ, bằng cấp chính là các tính năng; phần mềm, ứng dụng được cài đặt mặc định vào đó. Ngày tốt nghiệp, nhận bằng, hết khóa là ngày đóng gói, xuất xưởng, phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, mỗi học sinh giống như một hạt giống của xã hội. Chúng ta gieo trồng từ hạt giống ban đầu, phải hiểu rõ hạt giông có đặc tính gì, cần gì để sinh trưởng, phát triển. Mỗi hạt sẽ khác nhau, mỗi giống cây sẽ khác nhau, từ đó cần theo dõi ít hay nhiều, tưới nước nhiều hay ít, cần dinh dưỡng khác nhau ra sao...? Theo dõi hạt giống nảy mầm, lớn lên từng ngày, phải chăm sóc môi trường xung quanh để đất luôn tốt tươi, ánh sáng luôn đầy đủ, nhiệt độ luôn phù hợp, phải phòng tránh cả sâu hại, phải phát hoang cỏ dại xung quanh. Như vậy, đáng lẽ ra, giáo dục phải là một ngành nông nghiệp".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.