Xung quanh câu chuyện "lương giáo viên không đủ sống" đang gây tranh luận trái chiều trên VnExpress, độc giả Lê Bình lại có một góc nhìn khác: "Đó là dòng chảy của xã hội. Nghề giáo cũng là một nghề như bao nghề khác. Khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường thì đừng bao giờ nói nghề này phải quan trọng hơn nghề kia. Khi chúng ta đi làm mà lương thấp, cũng không thể lấy lý do 'yêu nghề' , 'nghề đó cao quý' để đòi hỏi 'hãy tăng lương cho giáo viên'.
Bản thân mỗi chúng ta, khi lớn lên, lựa chọn học cái này, cái kia cũng chỉ nhằm hai mục đích, đó là kiếm nhiều tiền và làm việc đỡ vất vả. Vì vậy, khi so sánh giáo viên và công nhân, chúng ta sẽ thấy vấn đề là công nhân để đạt được lương 10 triệu đồng một tháng sẽ phải 'đổ mồ hôi, sôi nước mắt' và rủi ro rất cao. Có bạn sẽ nói 'giáo viên cũng cực khổ vậy', nhưng nếu chúng ta so sánh một cách sòng phẳng trơn tru thì với mức lương đó, tôi tin chẳng ai chọn làm công nhân.
Thêm một khía cạnh nữa, chúng ta nói sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp rất nhiều và một số địa phương họ không đào tạo giáo viên nữa. Nhưng nguyên nhân là gì? Đó là vì các trường đã đủ chỉ tiêu và không có chỗ nào thiếu giáo viên cả, tức cung vượt quá cầu. Còn nếu nói lương giáo viên thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn phải bỏ không ít tiền của, cộng thêm các mối quan hệ để chạy vào biên chế?".
>> 'Bất công với lương giáo viên'
Đồng quan điểm, bạn đọc Liber cho rằng, những lý do được nhiều người đưa ra để đòi hỏi nâng lương cho giáo viên như "nghề giáo cao quý", "lương không bằng công nhân"... là không thuyết phục:
"Cá nhân tôi không thấy nhận định 'Giáo viên lương thấp thì bỏ nghề' là ngược đời. Nghề giáo cũng bình đẳng trong xã hội. Nếu nói nghề giáo là nghề đặc thù, không thể thiếu, tầm ảnh hưởng rộng lớn thì nhiều nghề khác cũng như vậy. Mỗi nghề nghiệp là một mắt xích trong cả một chuỗi hoạt động, giúp cho xã hội ổn định và không ngừng vận động.
Nhiều người phản đối, so sánh giáo viên và công nhân, nhưng ai trong chúng ta dám mạnh miệng tuyên bố mình sẽ sống khỏe nếu một lực lượng lớn công nhân bỏ việc? Nhiều người bảo suy nghĩ như vậy là vô cảm, tiêu cực, những chẳng qua là các bạn đang nhập nhằng giữa cảm xúc và lý trí. Chuyện thông cảm cho giáo viên vì lương thấp không đủ sống là một chuyện, nhưng thực tế quy luật cung cầu quyết định giá cả lại là chuyện khác và cả hai đều không sai. Chính vì vậy, giáo viên mới có giá trị tinh thần để bù vào, đó là sự tôn trọng của một bộ phận lớn người trong xã hội.
Nếu cảm thấy không đủ thỏa mãn, vậy hãy hành động chứ đừng than vãn. Việc đó chẳng thay đổi được gì cả. Thay vào đó, hãy chỉ ra thực tế để các bạn đang hành nghề giáo nhận ra bản chất vấn đề, và nỗ lực để thay đổi. Cuộc sống bao la như vậy, người có năng lực thực sự sẽ luôn tìm được cách để thể hiện năng lực của mình và được trả công xứng đáng. Còn nếu thực sự không thể, hãy xem lại năng lực của mình và học cách chấp nhận nó thôi. Đó là cuộc sống".
>> 'Lương giáo viên không quá thấp'
Độc giả Khang_Khang bổ sung thêm: "Lương giáo viên Việt thấp hơn so với các nước thì lương công chức, kỹ sư, công nhân của ta cũng thấp so với các nước đó thôi. Cả xã hội phải làm sao tăng năng suất lên, tạo ra giá trị nhiều hơn, bấy giờ mặt bằng lương chung mới cao được. Giờ để tăng lương giáo viên thì phải tăng thu thuế, tăng học phí, tăng nhiều thứ để có tiền bù vào. Gánh nặng sẽ đè lên cả xã hội.
Thực tế, nếu về quê, các bạn mới thấy lương giáo viên nói chung cao hơn mặt bằng thu nhập chung, thu nhập của giáo viên luôn ổn định so với nghề khác. Bố tôi cũng là giáo viên, giờ đã nghỉ hưu. Mỗi ngành nghề đều đóng một vai trò nhất định trong xã hội, nghề nào cũng quan trọng. Ai cũng mưu cầu việc nhàn, lương cao. Điều ấy không sai, nhưng phải phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường. Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không ai ép và chắc chắn là nghề nào cũng tốt nếu làm việc chân chính".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.