Xung quanh câu chuyện "Phong bì ngày nhà giáo", nhiều độc giả ủng hộ quan điểm không tặng tiền cho giáo viên:
Mỗi khi gần đến 20/11, hội phụ huynh lớp con tôi lại được dịp tranh luận nảy lửa về việc tặng quà gì cho thầy cô. Một số phụ huynh ý kiến rằng đời sống của giáo viên cần được quan tâm, và tặng quà giá trị để giúp đỡ và thể hiện được sự tri ân của phụ huynh đối với thầy, cô giáo. Nhiều người nói rằng, sau khi tiếp xúc qua các mùa 20/11, phần lớn giáo viên đều rất vui vì được tặng phong bì. Việc các phụ huynh cân nhắc bỏ bao nhiêu tiền vô phong bì cho giáo viên làm tôi hụt hẫng. Tôi từng tôn trọng nghề giáo đến nỗi không dám đặt nguyện vọng vào ngành sư phạm vì sợ bản thân không đủ tốt để dẫn dắt cả một thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều bạn nói ai cũng phải sống, giáo viên cũng vậy, tiền để sống, gia đình để lo. Chúng ta đang tri ân hay định lượng giá trị của giáo viên? Cảm xúc của tôi có hơi hụt hẫng, cùng thời gian sự kính trọng của tôi dành cho những người thầy cô nhận phong bì đó không còn nhiều. Nhuộm màu vật chất thì khó lòng cao quý là vậy. Đơn giản sẽ chỉ còn là nghề dạy học mà thôi.
Chính các phụ huynh mới là người tạo ra bệnh thành tích đó, chứ thật sự bản thân mỗi giáo viên khi đến với nghề giáo cũng đã rõ về mức thu nhập của nghề và nỗi vất vả phải chịu. Chẳng có thầy cô nào nghĩ đến các khoản "lợi". Nhưng dần theo thời gian và suy nghĩ của một số phụ huynh đã làm ảnh hưởng đến họ, để rồi tất cả vì một chữ "nể". Trường ở quê tôi cách đây hơn chục năm, các món quà tặng thầy cô chỉ là một đóa hoa hồng, có một số bạn thêm một tấm thiệp vào đó. Tôi thấy các thầy cô vẫn rất vui vẻ và rạng rỡ, đặc biệt chẳng có sự phân biệt gì trong lớp. Giờ đến cơ quan, thấy các chị em đồng nghiệp xôn xào bạn chuyện "quà" các thầy cô, tôi chỉ bảo một câu: "Sao các chị phải thành tích thế nhỉ?", để rồi nhận về một tràng phản bác.
Ngày 20/11 của thế hệ 8x chúng tôi vẫn có quà cho thầy cô, tuy nhiên nó nghiêng về kỷ niệm nhiều hơn chứ không phải phong bì, vật chất như bây giờ. Chúng tôi, ai có gì góp đó, bánh kẹo cũng được, khoai sắn cũng được, trái cây cũng được... Những buổi trưa oi nóng, chúng tôi chở nhau trên những chiếc xe đạp củ kỹ, ọp ẹp đến thăm thầy cô. Chúng tôi cùng nhau làm bánh, nấu ăn, vui chơi với nhau ngay tại nhà thầy cô. Đó thực sự là những kỷ niệm đẹp.
Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng, bản thân việc tặng phong bì cho giáo viên không xấu, nhưng mục đích biến tướng của phụ huynh đã làm thay đổi ý nghĩa cao cả của việc tri ân thầy cô:
Không phải phụ huynh muốn thầy cô giáo biệt đãi con mình mới gửi phong bì. Đó chỉ đơn giản là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy cô, những người đã chăm sóc, dạy dỗ các con. Ai đó sẽ hỏi sao không tặng quà? Tôi tự hỏi quà đó liệu thầy cô có dùng được (theo nhu cầu của mỗi người), bởi thầy cô không cần bố thí? Tiền thực chất là một món quà đơn giản, dễ lựa chọn (bao nhiêu thì tuỳ khả năng của từng nhà, không có chẳng sao) và dễ dùng. Phong bì không xấu, nó chỉ xấu khi phụ huynh phải đưa dù không muốn vì các lý do tiêu cực.
Tôi nghĩ chuyện nhận phong bì phổ biến hiện nay của giáo viên xảy ra là do phụ huynh chứ không phải do các thầy cô giáo. Mọi vấn đề bắt đầu từ người đưa chứ không phải người nhận. Nhưng bản thân tôi, một phụ huynh thì nghĩ chuyện đó không có gì quá to tát. Đồng tiền bản thân nó không xấu, chỉ xấu khi người trao nhận thầm mưu cầu những điều không tốt. Đôi khi tôi nghĩ thay vì lẵng hoa 500 nghìn đồng lãng phí, tôi chuyển thành phong bì để thầy cô có thể mua những thứ cần thiết. Tuy nhiên, tôi đồng ý quà cho không bằng cách cho, nhiều phụ huynh đưa quà kiểu trách nhiệm cho xong, cái đó khiến thầy cô tổn thương.
Tôi cũng có con đi học, suy nghĩ của tôi thế này:
1. Việc nhận quà là phong bì chỉ xấu khi thầy cô o ép học sinh để được nhận quà.
2. Nhiều phụ huynh học sinh tặng quà không tế nhị, gây hiểu lầm.
3. Việc tặng quà không hề xấu nếu việc tặng tế nhị bởi:
- Các thầy cô rất vất vả chăm sóc các con, phụ huynh muốn có một chút quà cảm ơn cũng là dễ hiểu.
- Các thầy cô không ai đòi hỏi cả, quà cáp cũng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng phải nói rằng để một thầy cô đúng nghĩa sống được bằng đồng lương nghề giáo không phải dễ.
- Nhiều người không biết mua quà gì, không biết thầy cô về có dùng được không, nên tặng phong bì để các thầy cô tự mua cũng không có gì sai, còn hơn là tặng quà về không dùng được, phải bỏ còn lãng phí hơn.
Ngày nay cuộc sống quá bận bịu, áp lực nên mọi thứ đều bị vật chất hóa, nhanh gọn hóa, tuy nhiên không phải vì vậy mà mọi người không còn sự tri ân, thành tâm biết ơn những người thầy dạy mình và con mình. 20/11 này, tôi cũng tặng quà cô của con mình, trong món quà ấy cũng có phong bì, nhưng tôi không mong vì bì thư ấy mà con mình được ưu ái hơn các bạn khác. Con đang học mầm non, bạn nào cũng ăn, ngủ như nhau, con tôi cũng không quậy phá quá trớn để sợ bị cô ghét bỏ. Thực tâm, tôi tặng quà vì biết các cô mầm non quá vất vả khi chăm sóc hơn 20 đứa trẻ, áp lực về thành tích trường đề ra, áp lực với hơn 40 phụ huynh nếu không may con em họ có vấn đề gì. Nếu làm các nghề khác, chúng ta có thể tranh thủ làm thêm việc này, việc kia để tăng thu nhập, nhưng các cô giáo mầm non thật khó. Vậy nên, ngày Hiến chương nhà giáo là cơ hội để học sinh, phụ huynh tri ân, chia sẻ vất vả với thầy cô, dù thể hiện bằng lời nói, bó hoa, món quà hay phong bì thì cũng đều là sự chân thành biết ơn của mình.
>> Bạn tặng tiền hay hiện vật cho thầy cô nhân ngày 20/11? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.