'Nhấp nhổm' với nghề
Mới đây, mạng xã hội xôn xao về lá đơn xin nghỉ việc của một cô giáo tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), sau 16 năm gắn bó với nghề: "Thu nhập từ công việc dạy học không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi. Nên tôi viết đơn này xin nghỉ việc để chuyển sang công việc mới".
Trước đó, cũng vào thời điểm cả nước đang hướng đến ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, năm học 2019-2020, một giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Thái (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng viết đơn xin nghỉ với lý do "đã tìm kiếm được một công việc có thu nhập cao, giúp phát triển kinh tế gia đình hơn".
Hiện nay, nếu lướt qua mạng xã hội, chúng ta sẽ không khó để nhận thấy thực trạng nhà giáo phải bươn chải kiếm sống thêm bằng đủ nghề: bán hàng online, mở các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bán bảo hiểm... diễn ra khá phổ biến. "Vật giá mỗi ngày mỗi tăng, lương giáo viên ngày càng giảm xuống mà tiền lương năm nào cũng bị chia năm xẻ bảy, nào ủng hộ người nghèo, xây tượng đài liệt sĩ, xây xã văn hóa, xây cổng văn hóa... Mình đây 21 năm, tiền nuôi hai con không đủ, hàng ngày phải nhịn đói mà đi dạy", một cô giáo ở Bến Tre từng tâm sự.
Phải chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng lương giáo viên hiện nay chỉ đủ ăn, chứ khi ốm đau, bệnh tật thì không biết xoay xở thế nào? 20 năm dạy học nhưng nhận lương còn thua cả công nhân chỉ học đến lớp 9. Một người 15 tuổi, học ít, lương tháng bảy triệu, trong khi người kia 23 tuổi, học cao, lương cũng chỉ sáu triệu/ tháng. Đó là thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục hiện nay.
>> Lương giáo viên 20 năm không bằng bán hàng online
Chật vật tuyển sinh
Mặc dù đã được bổ sung hàng chục ngàn biên chế, năm học 2019 - 2020, toàn quốc vẫn thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó, giáo dục mầm non thiếu 45.242 giáo viên, tiểu học thiếu 12.450 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 4.486 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 9.763 giáo viên. Thế nhưng, năm 2020, nhiều trường cao đẳng sư phạm chỉ tuyển được trên dưới 50% chỉ tiêu dù đã tuyển làm nhiều đợt và bằng nhiều phương thức xét tuyển. Ví như, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang được giao 50 chỉ tiêu, sau hai đợt tuyển, trường này mới tuyển được 22 thí sinh.
Cùng chung thực trạng trên, trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, năm 2020 được giao tuyển 200 chỉ tiêu, nhưng sau ba đợt tuyển (bao gồm hai đợt bổ sung) cũng mới chỉ tuyển được 37 thí sinh, tức chưa đến 20% chỉ tiêu đề ra. Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM cũng không mấy sáng sủa hơn. Năm 2020, Bộ GD&ĐT cho phép trường tuyển 1.500 giáo viên mầm non, nhưng thực tế chỉ tuyển được 843 sinh viên, đạt gần 60%.
"Trước đây các em muốn trở thành giáo viên mầm non, chỉ cần học hai năm là có thể ra đi làm. Nay theo chuẩn mới các em phải học ba năm, trong khi ra đi làm lương thấp, công việc vất vả, cực nhọc. Đứng trước sự lựa chọn này, nhiều em quyết định đăng ký học một ngành khác trong hai, ba năm, ra trường mức lương còn cao hơn lương nhà giáo", trích lời một cán bộ của trường.
Phải chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng lương giáo viên hiện nay chỉ đủ ăn, chứ khi ốm đau, bệnh tật thì không biết xoay xở thế nào? 20 năm dạy học nhưng nhận lương còn thua cả công nhân chỉ học đến lớp 9. Một người 15 tuổi, học ít, lương tháng bảy triệu, trong khi người kia 23 tuổi, học cao, lương cũng chỉ sáu triệu/ tháng. Đó là thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục hiện nay.
Phạm Thị Lan
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.