Tôi đang là học sinh lớp 12. Trước đây, cũng như đa phần bạn bè đồng trang lứa khác, cũng vì điểm số mà tôi chạy theo các môn Toán, Văn, Anh và bỏ qua những môn phụ như Sử, Địa. Nhưng đến khi lên lớp 11, tôi tình cờ đọc được những trang viết về Bác, và trở nên ngưỡng mộ, từ đó mà say mê tìm hiểu về cách mạng Việt Nam, càng đọc nhiều, hiểu biết nhiều lại càng thích.
Trước đây, tôi theo hướng sính ngoại, lúc nào cũng cảm thấy nước mình nhỏ bé, chậm phát triển. Từ ngày học Sử, tôi thấy yêu quê hương, Tổ quốc mình hơn, cảm thấy trân trọng và biết ơn những người đi trước rất nhiều. Nếu như học Văn là học làm người, thì học Sử chính là học biết ơn, biết tự hào và biết trân trọng cuộc sống hiện tại.
Tôi thấy môn Sử rất hay nếu được khai thác đúng hướng. Nhưng tiếc rằng, chương trình sách giáo khoa hiện tại là quá nặng nề về lý thuyết, hầu như chỉ lướt qua các sự kiện với hàng loạt con số ngày tháng, địa điểm... nên hầu không đọng lại được gì nhiều trong đầu người học. Cộng thêm với tâm lý của đại đa số học sinh cho rằng môn Sử không qua trọng nên các bạn lại càng không mấy quan tâm, chú trọng.
12 năm đi học, những người thầy, cô tôi thích học nhất không phải là những người có kiến thức quá uyên bác mà là những người có thể truyền lửa, khuyến khích, khơi gợi hứng khởi tự học, tự tìm hiểu từ phía học sinh. Đồng thời, những bài giảng ấy luôn chạm được vào phần cảm xúc của người học, cho học sinh thấy yêu, thấy ghét, biết căm hờn và biết tự hào. Đó là điều mà các giáo viên bộ môn phụ cần thay đổi.
Nhà tôi có hai thế hệ giáo viên, nhưng luôn khuyên tôi không nên theo nghề giáo. Tôi biết các thầy cô luôn rất vất vả, nhưng không vì thế mà chúng ta quay lưng với nghề. Có rất nhiều phương pháp để khơi gợi sự hứng thú của học sinh như đặt câu hỏi ngoài sách giáo khoa, cho thuyết trình, kể chuyện, trình chiếu phim... Làm được như vậy, tôi tin học sinh sẽ không còn cám thấy nhàm chán với Sử, Địa, vị thế của các giáo viên môn phụ cũng sẽ được nâng cao hơn.
Về vấn đề kinh tế, nhà tôi, bất kể ai làm giáo viên cũng phải có nghề tay trái cả. Thuận lợi của giáo viên khi làm thêm nghề là đã có sẵn sự uy tín và tôn trọng từ phía học sinh, phụ huynh và xã hội. Thế nên các cô, các bác của tôi khi làm ăn, buôn bán, bảo hiểm, du học... đều không mất nhiều công sức để gây dựng niềm tin nơi khách hàng. Nhờ đó, công việc kinh doanh bên ngoài cũng cho thu nhập tốt để nuôi nghề giáo.
Ông tôi có nói một câu: "Làm nghề giáo vui nhất là thấy học sinh nhờ mình mà thêm trưởng thành, được chứng kiến các em khôn lớn. Cứ mỗi dịp lễ Tết là các học trò cũ lại đến quây quần". Tôi mong những chia sẻ này cúng sẽ giúp các thầy cô giáo (đặc biệt là các giáo viên môn phụ) cảm thấy yêu nghề hơn, nỗ lực tìm cách đổi mới phương pháp dạy, mở rộng lĩnh vực nghề nghiệp để có thêm thu nhập cho cuộc sống, qua đó sống tốt, sống khỏe với nghề.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.