Xung quanh câu chuyện giáo viên bán hàng, nhiều độc giả VnExpress chia sẻ thực trạng đồng lương không đủ sống khiến nhiều nhà giáo phải bươn chải kiếm sống bằng nghề phụ:
Tôi sống trong gia đình nhà giáo. Từ đời ông dạy trẻ con trong làng, đến bố làm giảng viên đại học và tôi là giáo viên THPT. Cuối cùng, bốn năm trước, tôi lao vào buôn bán online. Vất vả vô cùng vì mình không chuyên, nhưng nay mọi việc cũng ổn.
Khoản thu nhập từ buôn bán thêm của tôi cũng cỡ 15 triệu đồng mỗi tháng, quá tốt so với mức lương 20 năm cầm phấn. Đến bao giờ nhà giáo mới sống được bằng lương để yên tâm dồn hết tâm trí vào bài giảng cho các con? Bản thân tôi không cảm thấy xấu hổ chút nào khi đi làm thêm, cũng vì mưu sinh cả. Nhưng với cơ chế này chắc chắn một điều, vợ chồng tôi không bao giờ cho con theo nghề sư phạm, mặc dù tôi vẫn khuyên con gái có thể học Ngoại ngữ ở trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, nhưng học xong sẽ không thi tuyển vào bất cứ trường công nào.
Tôi là giáo viên, thật sự tôi chỉ mong lương giáo viên được tăng lên. Ai dạy nhiều hưởng nhiều (ví dụ Văn, Toán, Lý, Hoá, tiếng Anh có số tiết nhiều buổi chiều). Hàng ngày, tôi dạy Toán buổi sáng chính khóa cho học sinh, buổi chiều dạy thêm cho học sinh trong nhà trường (trường tôi ở vùng nông thôn tỉnh Tây Ninh) đến 17h. Sau đó, học sinh phải học thêm buổi tối với tôi nữa với số tiền khá cao. Các thầy, cô khác cũng vậy.
Dạy thêm trong nhà trường thù lao quy định rất thấp. Tôi nói thật, buổi sáng đã dạy, buổi chiều dạy thêm nếu giáo viên có tâm thì không cần dạy thêm buổi tối. Nhưng chúng tôi vẫn làm dù lương thấp.
Khi tôi học phổ thông, nhiều thầy cô của tôi phải đi làm thêm mà cuộc sống vẫn rất eo hẹp. Thầy đi phụ xây, cô đi đổ mối cá khô, mắm cho các quán bán lẻ. Một cô giáo chủ nhiệm của tôi ra chợ bán lạc, vừng. Và đến bây giờ, một số thầy cô lại phải tiếp tục công việc bán hàng thêm thu nhập mới bảo đảm cuộc sống ở mức trung bình.
Tôi nghĩ cũng chẳng ngại vì đó là thu nhập chính đáng bằng sức lao động của họ, nhưng chắc chắn thời gian và tâm sức giành cho chuyên môn và học sinh sẽ giảm. Đây là bài toán mà xã hội nên xem xét. Giáo viên cũng chẳng nhiều người muốn vì cơm áo gạo tiền mà không dồn được hết thời gian và năng lực của mình cho học trò, chuyên môn, trường lớp.
>> Những giáo viên cầm bằng Đại học, hưởng lương Trung cấp
Vợ tôi là giáo viên dạy Tiếng Anh, tốt nghiệp năm 2005 của Trường Đại học Sư phạm TP HCM, năng động, nhiệt huyết... Nhưng sau 15 năm đi dạy, lương vợ tôi được 7,2 triệu đồng (trong đó đã có hai lần tăng lương trước thời hạn do có thành tích).
Nói thật, vợ tôi đi dạy đang lỗ, vì nhà trường không trang bị cho bất kỳ thứ gì như: quần áo, dạy dép, máy tính... Thậm chí, lương của vợ tôi còn thấp hơn cả công nhân tạp vụ ở công ty. Trong khi đó, công nhân còn có tiền may quần áo, giày dép, khám sức khỏe hàng năm... Chưa bao giờ, tôi thấy giáo viên lại tủi thân đến vậy. Vợ tôi đã công tác 15 năm nhưng chưa bao giờ được nhà trường cho đi khám sức khỏe định kỳ...
Mẹ tôi là giáo viên từ 40 năm trước, chị tôi đang là giáo viên. Từ thời mẹ tôi vẫn phải làm thêm mới đủ sống và nuôi con. Chị tôi cũng thế. Mẹ tôi rảnh là làm, tối muộn mới có thời gian soạn giáo án. Mẹ tôi cũng không phàn nàn gì, chị tôi cũng vậy. Vì dù sao đi nữa, nghề giáo cũng là một nghề mà mình đã chọn.
Và nhiều người họ vẫn làm 2-3 nghề để sống thì mình cũng thế thôi. Đành rằng, nếu chuyên tâm để giảng dạy thì vẫn tốt hơn nhưng xã hội đang là như thế. Cũng không thể đặt nghề giáo hơn các nghề khác vì khi đi học, sinh viên ngành sư phạm cũng không phải là xuất chúng hơn người. Tôi vẫn luôn mua ủng hộ các giáo viên bán hàng nếu mặt hàng đó tôi có nhu cầu. Vì tôi tin tưởng hơn những người bán khác mà tôi không biết. Do đó, cũng không nên nặng nề quá, tôn nghề giáo lên cao quá để những giáo viên họ muốn làm thêm lại ái ngại nhìn vào họ và họ không dám làm, như thế càng khổ hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.