Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người nên tập thể dục vừa phải khoảng 75 đến 150 phút mỗi tuần. Ngoài kiểm soát cân nặng, hỗ trợ ổn định huyết áp, bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe xương, nhiều bài tập còn giúp cải thiện chức năng phổi.
Đi bộ nhanh
Đi bộ với tốc độ khoảng 5-6 km mỗi giờ là đi bộ nhanh. Với người bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đi bộ nhanh hỗ trợ cải thiện chức năng phổi, giảm triệu chứng bệnh, khả năng gắng sức và tăng sức bền. Đi bộ nhanh còn giúp kiểm soát huyết áp.
Khi tập luyện, cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn dưới dạng calo, tăng cường cơ bắp và quá trình trao đổi chất. Hoạt động này làm giảm các hormone gây căng thẳng của cơ thể như cortisol, tạo ra endorphin - hormone tương tác với các thụ thể trong não.
Chạy bộ
Người mới bắt đầu chạy có thể nhanh chóng hụt hơi, nhưng sẽ quen dần theo thời gian. Chạy làm tăng khả năng chịu đựng của cơ hô hấp, cơ hoành và cơ liên sườn, cho phép cơ thể thở sâu hơn và hiệu quả hơn.
Khi tăng dần tốc độ chạy, thở nhanh hơn để mang oxy vào cơ thể, dễ dẫn đến hụt hơi. Lúc này, người tập nên tập trung vào hơi thở, hít sâu từ bụng, tránh thở nông từ ngực. Điều này cho phép tăng lượng oxy hít vào và lượng carbon dioxide thở ra, tránh cảm giác mệt mỏi. Hít thở đúng cách còn giảm chứng co thắt cơ hoành.
Bơi lội
Đường hô hấp thường dễ khô khi hít thở nhanh, nhiều hơn trong lúc tập thể dục, có thể dẫn đến triệu chứng hen. Bơi lội góp phần làm chậm quá trình khô đường hô hấp, giảm kích thích đường thở, tốt cho phổi.
Bài tập này cũng góp phần giữ hơi thở và sức bền. Áp lực của nước lên ngực hạn chế động tác hít vào thở ra, đòi hỏi người bơi cần thở mạnh, nhờ đó phát triển hệ thống hô hấp, tăng dung tích phổi.
Nhảy dây
Hít thở sâu khi nhảy dây giúp phổi khỏe và xử lý oxy tốt hơn. Thói quen này còn hỗ trợ tăng nhịp tim, đốt cháy calo và giảm cân nếu thực hiện đều đặn.
Tập thở
Thở cơ hoành có tác dụng giảm lo lắng, đau nửa đầu, huyết áp cao; tăng cường tống thải đờm.
Cách thực hiện: Ngồi hoặc nằm ngửa, đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng để cảm nhận chuyển động ngực bụng. Sau đó, người tập từ từ hít vào bằng mũi, cảm nhận bụng đẩy bàn tay lên, lồng ngực không di chuyển. Hóp bụng lại dần theo nhịp thở ra, thở chậm qua miệng.
Thở xen kẽ hỗ trợ tăng cường chức năng tim mạch, giảm nhịp tim và lo âu, tăng cường sức khỏe phổi.
Cách thực hiện: Thở ra và dùng ngón tay bịt lỗ mũi phải. Hít vào qua lỗ mũi trái, sau đó bịt lại, mở lỗ mũi phải và thở ra. Tiếp tục hít vào qua lỗ mũi phải và bịt lại, mở lỗ mũi trái để thở ra. Có thể thực hiện bài tập này trong 5 phút.
Lê Nguyễn (Theo Onlymyhealth)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |