Chị Lan, năm nay 40 tuổi, phát hiện những bất thường trên cơ thể hơn 15 năm trước, bác sĩ chẩn đoán tuyến yên có vấn đề, chỉ điều trị nội khoa. 10 năm qua, chị Lan tăng chiều cao từ 168 cm lên 172 cm, trong khi bình thường người sau 22 tuổi không cao thêm. Chân, vai to dần, mũi và môi chị dày hơn, cơ thể có nhiều thay đổi.
Gần đây, chị đau đầu nhiều hơn, mắt mờ dần, ngủ ngáy, đau nhức xương khớp, huyết áp cao khó kiểm soát, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Ngày 20/8, bác sĩ Phan Vân Đình, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết chị Lan bị tăng tiết hormone tăng trưởng (GH) bất thường gây bệnh to đầu chi, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 3/100.000 người mỗi năm.
Hormone GH tăng đột biến khiến xương, sụn phát triển, biến đổi chuyển hóa mỡ và protein làm dày dây thanh quản khiến giọng chị thấp, trầm, nét mặt thô. Chị Lan còn gặp các biến chứng vẹo đốt sống cổ, suy giáp, cần điều trị sớm để tránh nặng hơn.
Tình trạng của người bệnh phức tạp, các bác sĩ hội chẩn, chỉ định chị Lan chụp MRI não. Kết quả cho thấy có hố yên rỗng (rỗng tuyến yên) kèm theo một khối u ở vùng xoang bướm (dưới hố yên), kích thước khoảng 2 cm. Khối u sa xuống, nằm lạc chỗ ở xoang bướm. Dịch não tủy dồn vào trong hố yên, kéo dây thần kinh thị xuống gây mờ mắt. Bác sĩ Vân Đình cho biết đây có thể là lý do người bệnh đi khám nhiều lần nhưng bác sĩ chưa phát hiện khối u hoặc u nằm ở vị trí nguy hiểm nên chưa mổ được.
Bệnh nhân hố yên rỗng thường do nguyên phát hoặc thứ phát. Nguyên phát là sự khiếm khuyết của hoành yên (một phần của tuyến yên), tăng áp lực nội sọ. Thứ phát xảy ra sau mổ tuyến yên, điều trị xạ trị hoặc sau một chấn thương. Chị Lan chưa từng phẫu thuật, xạ trị và chấn thương nên tình trạng hố yên rỗng là nguyên phát, đồng thời kèm theo u tuyến yên có tăng tiết GH khiến chiều cao tăng thêm.
Người bệnh được chỉ định phẫu thuật u bằng hệ thống mổ nội soi chuyên dụng ICG Rubina Karl Storz thế hệ mới. Bác sĩ tiếp cận u qua đường xương bướm ngắn nhất, tiến vào não nơi có vị trí khối u. Sau đó, dùng máy cắt hút siêu âm Cusa để đánh nhỏ, loại bỏ hoàn toàn u.
Xương của người bệnh đều to, cứng, kể cả niêm mạc mũi nên ê kíp phải mài nhiều. Khi tiếp cận vào vùng hố yên, máu chảy nhiều, bác sĩ cầm máu liên tục. Hoành yên và màng cứng bị sa xuống nhiều nên khi lấy u ê kíp đảm bảo màng nhện không bị rách, hạn chế tình trạng dò dịch não tủy sau mổ. Khi lấy hết u, bác sĩ phải đẩy hoành yên lên đúng vị trí, giải phóng dây thần kinh thị giác.
Sau mổ hai tuần, chị Lan ổn định, chỉ số GH và các hormone về tình trạng bình thường. Người bệnh khỏe, huyết áp được kiểm soát, giảm đau đầu, mắt sáng hơn, xuất viện sau ba tuần.
Bác sĩ Đình cho biết khối u tuyến yên thường lành tính, phát triển chậm. Phát hiện, nhận biết sớm bất thường hoặc chủ động khám định kỳ và điều trị bệnh kịp thời, tình trạng biến dạng cơ thể không nặng như chị Lan.
Bác sĩ khuyến cáo khi có những bất thường của cơ thể như tay chân to, mặt biến dạng, mũi to ra, đeo nhẫn chật, dép đi không vừa kích cỡ..., người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh, nội tiết để được chẩn đoán và giải quyết triệt để.
Bình An
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |