Đọc bài viết "Không chụp nổi tấm ảnh Sa Pa, Đà Lạt thơ mộng", tôi lại muốn "minh oan" cho người làm du lịch nơi đây. Làm du lịch là để thu hút khách, kiếm thu nhập cho người dân địa phương. Mà khách nhiều thì phải có các khu dịch vụ để họ sử dụng như quán ăn, nhà hàng, khu giải trí, nơi chụp hình "sống ảo"... Nếu làm du lịch mà không có khách thì cũng là làm không tốt, thiếu điểm nhấn.
Có thể trước đây, du khách ít nên Sa Pa, Đà Lạt chỉ quanh quẩn ở gần trung tâm và thấy nó thơ mộng. Nhưng khi trung tâm đông đúc (vì phải có nơi ăn, chốn nghỉ cho du khách), người ta mới phát triển thêm nhiều địa điểm du lịch khác hoang sơ để thay thế những cái trước đó, mà chính những cái mới này mới kích thích khách quay lại. Nếu chỉ quanh quẩn những cái đã cũ, đã biết rồi thì mấy ai quay lại Sa Pa, Đà Lạt nữa? Cái gì phát triển cũng phải đánh đổi cả.
Du lịch đâu chỉ để tham quan, khám phá, mà còn có loại hình nghỉ dưỡng (là nguồn thu lớn từ những người có thu nhập cao). Đà Lạt, Sa Pa có điều kiện khí hậu, thời tiết phù hợp cho loại hình nghỉ dưỡng. Khách cũng có nhiều loại, có người thích du lịch tham quan "bụi", rẻ tiền (du lịch balo, phượt) nên họ chọn ở nhà trọ, nhà nghỉ đơn giản. Có người thích sống trải nghiệm như người dân thì ở homestay. Nhưng cũng có nhiều người có tiền thích ở những nơi sang trọng nên cần phải có nhà hàng, khách sạn, resort cao cấp để đáp ứng nhu cầu của họ.
>> Đà Lạt, Sa Pa nhạt dần vì 'nửa mùa'
Nếu đã có đầu tư, xây dựng thì đương nhiên phải phá vỡ cảnh quan cũ, và chúng ta phải chấp nhận việc đó. Vấn đề là ở Việt Nam, việc kinh doanh chủ yếu là hình thức cá nhân, hộ gia đình nên việc xây dựng nhà ở kết hợp kinh doanh (quán ăn, nhà nghỉ, phòng trọ, khách sạn mini...) dẫn đến xây dựng lộn xộn, thiếu quy hoạch đồng bộ. Nói cách khác, việc phát triển, hiện đại hóa các địa điểm du lịch là xu thế tất yếu, quan trọng là sự quản lý và quy hoạch chung của chính quyền địa phương thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên mà thôi.
Nói gì thì nói, du lịch nghỉ dưỡng mới phản ánh đúng nhất chất lượng dịch vụ. Bạn cứ thử bỏ cùng một số tiền du lịch châu Âu để vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam thì sẽ thấy chất lượng khác biệt. Còn vấn đề xã hội thì đương nhiên không thể so sánh Việt Nam với các nước phát triển, vì trình độ dân trí, chuyện "cơm áo gạo tiền" của một bộ phận lớn người Việt. Chúng ta còn nghèo, nên không thể một sớm một chiều mà thay đổi ngay được.
Đúng là du lịch Việt vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng không thể vì thế mà đòi hỏi Sa Pa, Đà Lạt, hay những địa điểm du lịch khác phải giữ nguyên những cũ kỹ, lạc hậu của nhiều năm trước. Để du lịch phát triển, chúng ta phải phục vụ được đa dạng các nhu cầu khác nhau của du khách, chứ không chỉ chăm chăm vào một nhóm người thích hoang sơ, thơ mộng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.