Tôi rất tâm đắc với hai chữ "nửa mùa" của tác giả BL khi nói về câu chuyện làm du lịch ở Sa Pa, Đà Lạt nói riêng và du lịch Việt nói chung. Thực tế, tư duy đến hành động xưa nay ở ta đã vậy. Mấy cái tượng nữ thần tự do hay mấy con giáp "dị hợm" cũng tự huyễn hoặc là sáng tạo, phải khác người và coi đó là phong cách. Tôi nghe mà thấy tội nghiệp cho những suy nghĩ nhất thời nhưng lại nhanh chóng lan rộng thành trào lưu đó.
Hay như mấy quán cà phê ăn theo chữ "săn mây" được vài hôm đã thấy nhan nhản khắp ngõ ngách của thành phố. Thành phố yên bình giờ đâu chỉ toàn thấy ôtô đậu san sát trên những con đường xưa nay chỉ phù hợp và dành cho người đi bộ. Nói vui, giờ muốn kiếm một tấm ảnh thành phố mộng mơ, chắc phải dùng kèm mấy app để xóa người, xóa xe bớt đi mới được.
Nói chung, chính xác là chúng ta đang làm du lịch theo kiểu "nửa mùa". Người Việt làm du lịch vẫn luôn chăm chăm chạy theo phục vụ cái du khách cần. Điều đó không sai. Nhưng bản thân họ lại không hề biết rằng, cái du khách cần ở Đà Lạt, Sa Pa lại chính là những thứ đã có sẵn xưa đến nay nay chứ không phải mấy cái lai tạp.
Du khách cần đi và ngắm người dân tộc, ở nhà sàn, chứ họ đâu lên Sa Pa để ngắm những du khách khác và ngồi nhậu với nhau như giữa phố chợ Đồng Xuân, Phạm Ngũ Lão... Người ta đi "săn mây" là để thử cảm giác chinh phục, hòa mình vào thiên nhiên, chứ đâu phải vào mấy quán cà phê, gọi vài ly nước, rồi chờ mây đến tận mép cửa sổ.
Theo cá nhân tôi, để thay đổi được thực trạng đó, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: du lịch để làm gì? Du lịch nếu chỉ để có phòng nghỉ thì chỉ cần một đảo nhỏ, một cù lao hay một phòng trong một resort là đủ. Còn du lịch để khám phá, di chuyển thì cần thêm cảnh quan, môi trường, con người và thiên nhiên, hạ tầng, dịch vụ, ẩm thực...
Nhìn lại đất nước ta và đánh giá thẳng thắn, rõ ràng là cảnh quan ngày càng bị mất điểm bởi xây dựng dân cư tăng quá nhiều. Quảng cáo và thực tế ngày càng khác xa nhau. Con người thì ngày càng "tinh vi" trong dịch vụ và sự thân thiện thay bằng sự thể hiện. Giá cả, dịch vụ bát nháo.
Những cánh đồng, những dòng sông, những cảnh thiên nhiên hữu tình trên đường giờ chỉ còn là toàn nhà cửa, hàng quán. Khách chỉ lên xe và ngủ chứ có gì mà nhìn, mà ngắm? Nếu những điều đó xảy ra ở một đất nước khác, và chúng ta là những vị khách ghé thăm, liệu bạn có muốn quay lại thêm một lần nào nữa không? Và tôi tin đó là điều các du khách quốc tế đang nghĩ về du lịch Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.