Việt Nam là một trong những quốc gia sớm mở cửa trở lại trong khu vực châu Á sau Covid-19. Tuy nhiên, du lịch của nước ta trong năm 2022 đã không tận dụng được lợi thế dẫn đầu này khi chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, kém xa so với mục tiêu 5 triệu khách để tạo ra tổng thu 4,5 tỷ USD. Khách nước ngoài vẫn truyền tai nhau về bảy nỗi sợ khi tới Việt Nam, gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh bẩn, ô nhiễm môi trường.
Đồng cảm với những nỗi bất an của du khách quốc tế khi đến Việt Nam, với góc nhìn của một người làm dịch vụ, độc giả Daisy Home chia sẻ: "Tôi làm dịch vụ homestay ở Sài Gòn, và luôn phải dặn dò du khách mới tới Việt Nam rằng 'đi ngoài đường không nên cầm điện thoại, vật có giá trị trên tay, kẻo dễ bị giật'. Bản thân tôi mấy lần phải cùng khách lên công an phường trình báo việc khách của mình bị cướp giật tài sản.
Có cô bé người Mỹ, vừa đến nhà tôi đã nhờ giúp đỡ vì để quên máy tính bảng trên taxi, và có cách nào lấy lại được. Hôm sau, đi bộ ngoài đường, cô lại bị giật mất chiếc điện thoại. Nữ du khách mếu máo, khóc sưng mắt, và kết thúc sớm chuyến du lịch Việt Nam chỉ sau hai ngày, thay vì hôm sau sẽ đi Đà Lạt như kế hoạch. Tôi không biết làm gì để giúp cô gái ngoài cố gắng hỗ trợ hết mình và an ủi cô sau một trải nghiệm kinh hoàng. Tôi mỗi lần nhớ lại chuyện này đều rùng mình. Chuyện tài xế taxi đe dọa du khách nước ngoài là điều quá bình thường ở ta.
Còn một lần khác, có một cặp du khách Tây Ban Nha chia sẻ với tôi rằng họ hết sức kinh ngạc khi tận mắt thấy cảnh người Việt ngang nhiên ném rác xuống biển ở Hạ Long. Họ không hiểu nổi tại sao chúng ta lại làm vậy với điểm du lịch nổi tiếng của đất nước. Tôi nghe mà vừa buồn cười, vừa xấu hổ, chẳng biết phải giải thích với họ thế nào?".
>> 'Không chụp nổi tấm ảnh Sa Pa, Đà Lạt thơ mộng'
Nói về những bất cập khiến du khách quốc tế phải stress khi tới Việt Nam, bạn đọc Ê nhận định trong bài viết "Mục tiêu 10 triệu du khách và 'vừa xuống sân bay đã mệt mỏi'": "Du lịch kiểu Việt Nam hiện tại chỉ hút được khách tò mò, khách lần đầu đến và đa số là khách có mức chi tiêu thấp. Chứ khách hạng sang, khách chịu chi thì chẳng đời nào họ đến và muốn quay lại. Đó là một thực tế rất đáng buồn.
Thử nghĩ mà xem, lần đầu bạn đến một đất nước xa lạ, biết rằng nước họ đồ ăn ngon, phong cảnh đẹp. Thế nhưng vừa xuống sân bay bạn đã thấy mệt mỏi, ra đường thì kẹt xe suốt ngày. Đi đến chỗ du lịch cũng chỉ có xe khách là lựa chọn phổ biến, không có tàu lửa cho các tuyến ngắn, mà xe thì chạy siêu ẩu. Đến nơi, chưa kịp chơi, bạn đã bị chặt chém hàng quán, làm phiền bởi hàng rong".
"Một người làm, năm người phá", đó là quan điểm của độc giả The Observers khi nói về du lịch Việt: "'Việt Nam là điểm đến thiên niên kỷ', 'Việt Nam điểm đến nụ cười'... Những câu Slogan phần nào nói lên bản tính người Việt: hiếu khách, thân thiện, cởi mở, với nền ẩm thực đa dạng, ít nhiều đã gây ấn tượng với khách du lịch nước ngoài. Qua thời gian, chúng ta dần chỉn chu về mọi mặt, từ cải thiện chất lượng điểm tham quan và tuyên truyền giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.
Nhưng giờ đây, một thực tế đáng buồn là 'một người làm, năm người phá'. Trong mắt du khách quốc tế, khi họ đến thăm nước ta, hầu hết đều muốn tìm hiểu về bản sắc các vùng miền, dân tộc. Tổng cục du lịch cố gắng làm tốt về phương diện truyền thông, nhưng dường như vẫn thiếu sự chung tay của các địa phương, nên nạn chặt chém, nâng giá hay tình trạng chèo kéo và vệ sinh môi trường rất tệ hại dưới ánh mắt du khách.
Đa phần bản chất người Việt rất thân thiện, nhưng có một bộ phận những người làm du lịch theo kiểu chộp giật, ăn xổi ở thì, chỉ biết lợi cho mình mà không thèm quan tâm đến thái độ phục vụ khách. Chính những người 'sống chết mặc bay' như vậy đang làm xấu đi hình ảnh của du lịch nước nhà.
Cứ như vậy, chúng ta đừng nghĩ đến chuyện đạt chỉ tiêu tăng trưởng khách du lịch. hay khiến người ta muốn quay lại lần hai. Có lẽ chúng ta nên nghiêm túc thừa nhận sự yếu kém về mọi mặt, khi các điểm đến, địa danh gây ấn tượng đã không còn tốt trong mắt du khách. Tất cả đều cần phải được thay đổi vì một Việt Nam tươi đẹp hơn".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.