Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, xảy ra phổ biến ở trẻ em và người lớn. Bệnh có triệu chứng như đau, khó chịu khi nuốt, ngứa họng hoặc kích ứng cổ họng, thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Nhiều trường hợp bị viêm họng trước rồi sau đó viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Nguyên nhân viêm họng thường do virus, vi khuẩn, dị ứng, nói nhiều hoặc la hét làm căng cơ cổ họng, các yếu tố môi trường như khói bụi, không khí khô lạnh. Thời tiết vào hè, nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của cơ thể, thói quen uống nước đá để làm mát dẫn đến viêm họng.
Người bệnh viêm họng cấp có thể bị ngứa rát cổ họng, đau họng khi nói hoặc ăn uống. Các triệu chứng này tự hết trong vòng 10 ngày. Trong khi đó, viêm họng mạn tính kéo dài lâu hơn, thường là vài tuần. Tuy nhiên, virus, vi khuẩn gây viêm họng có thể lan xuống thanh quản dẫn đến viêm thanh quản, viêm khí quản hoặc viêm phế quản do thanh quản, khí quản thông trực tiếp với vùng họng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thói quen nuốt dịch nhầy khi bị viêm họng như đờm, nước mũi đẩy nhanh quá trình xâm nhập của vi khuẩn, virus vào đường hô hấp dưới. Trong một số trường hợp, vi trùng từ đường hô hấp trên nhanh chóng tiến vào phổi diễn tiến thành viêm phổi. Viêm phổi gây ra tình trạng thiếu oxy, khó thở và nguy cơ tử vong cao. Người mắc các bệnh mạn tính, trẻ em, thai phụ có nguy cơ viêm phổi cao hơn do sức đề kháng yếu.
Người bị viêm phế quản hoặc viêm phổi thường có triệu chứng ho từng cơn, ho nặng ngực, thở khò khè, thở mệt như thiếu hơi, ho khạc ra đờm cục màu vàng hay xanh. Bác sĩ khám phổi nghe thấy tiếng ran rít hoặc ran nổ. Chụp X-quang ghi nhận tổn thương trong phổi và phế quản.
Họng là vùng cửa ngõ của hệ hô hấp, tiếp xúc với nhiều nguyên nhân gây viêm và thường xuyên bị viêm nhiễm. Để hạn chế nguy cơ viêm họng, bác sĩ Ngân khuyến cáo tiêm chủng phòng các bệnh hô hấp như cúm, phế cầu. Trong đó, cúm mùa là virus lưu hành hàng năm với nhiều chủng cúm, phổ biến nhất là cúm A và B. Vaccine phế cầu khuẩn có thể ngăn ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn. Loại viêm phổi này phổ biến ở những người lớn tuổi người có hệ miễn dịch yếu.
Virus, vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc bề mặt. Người khỏe mạnh hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh viêm đường hô hấp hoặc đeo khẩu trang, che chắn miệng khi nói chuyện với người bệnh. Vệ sinh tay và vệ sinh đồ vật, các bề mặt trong nhà để giảm nguy cơ vi khuẩn, virus bám lên và gây bệnh cho gia đình. Người bị viêm họng cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ để hạn chế sự phát triển của tác nhân có hại trú ẩn trong khoang miệng.
Nên uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng, không uống nước lạnh thường xuyên, uống nước từng ngụm nhỏ. Làm dịu cổ họng bằng mật ong pha nước ấm hoặc trà; pha chanh vào nước ấm hoặc uống trà thảo mộc; ngậm cam thảo hoặc kẹo bạc hà. Tạo độ ẩm cho không khí bằng máy tạo độ ẩm, tránh để cổ họng khô. Tránh khói thuốc lá và không uống rượu bia.
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |