BS.CKI Huỳnh Văn Trung, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Trước đây, bệnh này thường gặp ở người trưởng thành, tuy nhiên, những năm trở lại đây xuất hiện ở trẻ em khá nhiều và có xu hướng tăng. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu Mỹ, có khoảng 10% trẻ 2-19 tuổi bị gan nhiễm mỡ. Tại Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, song quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận tần suất gan nhiễm mỡ ở trẻ gia tăng.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ trong gan từ 5% trở lên, có thể do rượu bia hoặc không do rượu bia. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ thường do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, làm gia tăng tích tụ triglyceride (chất béo trung tính) tại gan. Bệnh diễn tiến âm thầm, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ và nguy cơ tổn thương gan, viêm gan, xơ hóa gan nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời.
Gan nhiễm mỡ hầu như không biểu hiện triệu chứng cụ thể. Bệnh phát triển đến mức độ nặng hơn có thể có một số triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, đầy hơi, khó tiêu, đau tức hạ sườn phải...
Bác sĩ Trung chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp gây bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tăng ở trẻ em.
Thừa cân, béo phì: Gan nhiễm mỡ thường liên quan đến cân nặng của trẻ. Các bé có cân nặng vượt quá 20% so với tiêu chuẩn có nguy cơ gan nhiễm mỡ cao. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh) là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em và ngày càng gia tăng, mỡ tích tụ trong cơ thể bị phân giải thành chất béo chuyển tới gan.
Một nghiên cứu ở Mỹ trên hơn 7,8 triệu trẻ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh này tăng 62% từ 36/100.000 trẻ năm 2009 lên 58/100.000 trẻ năm 2018.
Do bệnh lý: Trẻ em mắc các bệnh như nhiễm trùng máu, viêm xương tủy, lao phổi mạn tính, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tăng đường huyết (tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2), kháng insulin khiến cơ thể khó sử dụng hormone insulin để kiểm soát lượng đường trong máu, nồng độ lipid trong máu bất thường, bao gồm cholesterol và các chất giống chất béo khác.
Yếu tố di truyền: Gan nhiễm mỡ ở trẻ em còn liên quan đến yếu tố di truyền do một vài loại gene trong cơ thể ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa mỡ khiến mỡ tích tụ nhiều hơn trong gan. Trẻ có cha mẹ bị gan nhiễm mỡ, béo phì cũng có nguy cơ cao hơn những đứa trẻ khác.
Sử dụng thuốc: Tự sử dụng thuốc, không theo chỉ định có thể hại gan, khiến mỡ tồn đọng trong gan, nhất là những thuốc đào thải qua gan. Bác sĩ Trung cho biết một số loại thuốc điều trị bệnh thường gặp gây gan nhiễm mỡ nếu sử dụng không đúng cách như thuốc chống viêm nhóm corticoid, nhóm thuốc thường dùng trong ngừa thai...
Chế độ ăn uống: Bữa ăn không lành mạnh, thường xuyên dùng thức ăn nhanh, nhiều chất béo bão hòa, đường, chất bảo quản, nhưng lại thiếu chất, vitamin từ rau, củ, quả.
Bác sĩ Trung cho biết bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng đánh giá tình trạng tích tụ mỡ ở nhu mô gan. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý chăm sóc sức khỏe, đưa con đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám ngay khi có yếu tố nguy cơ gây gan nhiễm mỡ như thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, sử dụng thuốc corticoid thường xuyên... Trường hợp gan mỡ không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể trở nặng hơn.
Hiện, gan nhiễm mỡ dạng nhẹ chưa có thuốc đặc trị. Để cải thiện bệnh, cha mẹ có thể giúp con thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, hạn chế thức ăn nhanh, da và lòng động vật, lòng đỏ trứng, nước ngọt, uống sữa không đường, tách béo; tăng cường rau xanh, trái cây tươi.
Trẻ hoạt động thể chất 60 phút mỗi ngày, vận động ba lần mỗi tuần, giúp tăng cường thể chất và đốt cháy lượng mỡ thừa trong gan, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử hai giờ mỗi ngày.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |