Trả lời:
Gan nhiễm mỡ là bệnh khá phổ biến, có xu hướng ngày càng gia tăng ở trên thế giới và Việt Nam. Bệnh được chia thành gan nhiễm mỡ do rượu bia và không do rượu bia. Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2 hoặc mắc hội chứng chuyển hóa.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ trong các mô gan thừa vượt quá 5%, gây tổn thương và suy giảm chức năng gan. Dựa vào lượng mỡ dự trữ và mức độ tổn thương gan, gan nhiễm mỡ được phân thành ba cấp độ.
Gan nhiễm mỡ cấp độ một, lượng mỡ trong gan ít, chiếm khoảng 5-10% tổng trọng lượng của gan. Ở giai đoạn này, bệnh không biểu hiện triệu chứng, chỉ được chẩn đoán, phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Lượng mỡ tỷ lệ thuận với tình trạng suy giảm chức năng gan.
Gan nhiễm mỡ cấp độ hai xảy ra khi lượng mỡ tích tụ lớn khoảng 10-30%. Lúc này, mỡ đã lan ra các mô gan và cơ hoành, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng nhẹ như đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi.
Gan nhiễm mỡ cấp độ ba, các chất béo ở gan chiếm hơn 30% trọng lượng, gan bị tổn thương và viêm nặng. Bệnh không được can thiệp điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm gan, xơ gan, ung thư gan...
Viêm gan nhiễm mỡ: Có khoảng 30% người mắc gan nhiễm mỡ tiến triển thành viêm gan. Tình trạng viêm và tổn thương gan kéo dài, không có biện pháp cải thiện dễ làm xơ hóa gan.
Xơ gan: Có khoảng 5-10% người bị tổn thương gan thoái hóa mỡ dần tiến triển thành xơ gan. Khi tế bào gan tổn thương trong thời gian dài, các mô gan thay thế các tổn thương dẫn đến xơ hóa gan, nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Xơ gan được điều trị bằng thuốc giúp ngăn ngừa biến chứng. Trường hợp nặng có thể cần ghép gan.
Ung thư gan: Mỡ tích tụ trong gan nhiều dẫn đến viêm, xơ gan. Người bệnh không được điều trị kịp thời, hiệu quả, tế bào gan bị chết hàng loạt, phát triển thành ung thư gan.
Phát hiện ung thư gan ở giai đoạn đầu, khối u còn nhỏ có thể điều trị bằng các kỹ thuật mới mang lại kết quả cao như phẫu thuật, đốt sóng cao tần. Nếu phát hiện ở giai đoạn trễ hơn có thể can thiệp bằng phương pháp nút mạch. Đến giai đoạn tiến triển, chức năng gan suy kiệt, điều trị kém hiệu quả.
Ngoài ra, gan nhiễm mỡ còn liên quan đến các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ...
Khám sức khỏe định kỳ là giải pháp kiểm soát, phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, nhờ đó có hướng điều trị, cải thiện tích cực. Gan nhiễm mỡ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, thay đổi lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối, vận động khoa học giúp cải thiện thừa mỡ trong gan.
Trường hợp của bạn bị gan nhiễm mỡ giai đoạn một, ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng ảnh nhiều đến chức năng gan. Tuy nhiên, bạn cần thay đổi lối sống tích cực, khám sức khỏe định kỳ giúp đẩy lùi gan nhiễm mỡ, phòng ngừa bệnh diễn tiến xấu, gây biến chứng nguy hiểm.
ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |