Viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào màng hoạt dịch khớp. Bệnh có thể phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở người lớn tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ dưới 50 tuổi có thể cao hơn nam giới 4-5 lần, phụ nữ 60-70 tuổi mắc bệnh gấp đôi nam giới. Nữ giới có xu hướng xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi trẻ và nghiêm trọng hơn, do thay đổi hormone estrogen, progesterone giữa 30 tuổi và sau 40 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng viêm khớp dạng thấp cải thiện khi mang thai, có thể do hệ thống miễn dịch và tác dụng bảo vệ của hormone trong thời gian này. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, sau thai kỳ, bệnh có tỷ lệ bùng phát trung bình là 46%.
Theo một số nghiên cứu, bệnh có thể nghiêm trọng hơn trong thời kỳ mãn kinh, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy mãn kinh sớm gây ra các triệu chứng nhẹ. Có mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và nhiều bệnh lý ở hệ sinh sản nữ như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung. Những tình trạng này có liên quan đến hormone.
Phụ nữ mắc bệnh nên sử dụng biện pháp tránh thai và trao đổi với bác sĩ trước khi thụ thai. Nguyên nhân là do một số loại thuốc điều trị có thể tác động tiềm ẩn đến thai nhi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ. Trong quá trình hình thành phôi, phụ nữ trải qua quá trình bất hoạt một trong hai gene nhiễm sắc thể X. Khoảng 30% các gene này thoát khỏi quá trình bất hoạt, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp khiến các tế bào gây viêm trong màng hoạt dịch khớp. Cytokine là protein có thể làm tăng hoặc ức chế tình trạng viêm. Cytokine chống viêm Interleukin-4 (IL-4) ít hoạt động hơn ở phụ nữ so với nam giới.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở các khớp nhỏ như ngón tay, có tính đối xứng hai bên cơ thể. Khi bệnh tiến triển, triệu chứng có khả năng phát triển ở khớp lớn hơn như đầu gối, vai và mắt cá chân. Người bệnh đau, viêm, sưng, cứng khớp, nhất là vào buổi sáng trong ít nhất 30 phút, có thể kèm mệt mỏi, sốt nhẹ.
Đau và viêm dẫn đến các tác động sức khỏe khác, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bao gồm tăng cân, cholesterol cao, tăng huyết áp, bệnh phổi, tim mạch, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, nhiễm trùng... Người bệnh nặng có thể xuất hiện các cục u trên da gọi là nốt thấp khớp, tổn thương mạch máu dẫn đến tổn thương da, thần kinh và các cơ quan, số lượng hồng cầu thấp, loãng xương, rối loạn giấc ngủ. Ngoài các triệu chứng về thể chất, người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể khác nhau về cường độ. Bệnh có các đợt bùng phát và thuyên giảm. Người nghi ngờ mắc bệnh nên đến bác sĩ khám sớm. Viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi nhưng điều trị giúp giảm triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp và các biến chứng lâu dài. Trường hợp không điều trị, bệnh có khả năng dẫn đến những tác động nghiêm trọng hơn như biến dạng khớp, tàn tật, tổn thương nội tạng.
Anh Ngọc (Theo Healthline)