Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học California San Francisco đã công bố một bài báo tóm tắt các yếu tố nguy cơ ung thư phổi tiềm ẩn ở phụ nữ, phân tích dựa trên các mô hình sàng lọc, chẩn đoán, kết quả lâm sàng. Các nhà nghiên cứu tìm thấy một số điểm khác biệt giữa đàn ông, phụ nữ, bao gồm sự phát triển ung thư phổi, quá trình sàng lọc, kết quả, tác dụng phụ của việc điều trị.
Nhóm tác giả hy vọng rằng các nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng sẽ chú ý đến những khác biệt này để cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân vì tỷ lệ ung thư phổi ở phụ nữ vẫn tương đối cao trên toàn cầu.
Mặc dù có sự gia tăng ung thư phổi ở những người chưa bao giờ hút thuốc, phần lớn bệnh nhân ung thư phổi vẫn có tiền sử sử dụng thuốc lá. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ không nhạy cảm hơn nam giới đối với những chất gây ung thư trong khói thuốc.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), radon, một hợp chất phóng xạ có trong đất, đá và nước là nguyên nhân chính gây ung thư phổi ở người không hút thuốc, là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau khói thuốc lá. Một phân tích của 7 nghiên cứu bệnh chứng phát hiện, hít nhiều khí radon trong môi trường sinh sống có thể tăng nguy cơ ung thư phổi.
Khói thuốc là yếu tố nguy cơ phổ biến thứ ba gây bệnh ung thư phổi. Một phân tích tổng hợp của 37 nghiên cứu chứng minh, phụ nữ không hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 24% nếu bạn đời của họ hút thuốc, so với nhóm đối chứng.
Khói nấu ăn trong nhà cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư phổi ở phụ nữ. Một nghiên cứu từ châu Á cho thấy, phụ nữ nấu ăn bằng than có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 5 lần so với những người không nấu ăn. Ngoài ra, dầu ăn còn dẫn đến sự hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs), được biết đến là chất gây ung thư. Phụ nữ nấu ăn ở những nơi có hệ thống thông gió kém có thể tăng khả năng tiếp xúc với PAHs.
Theo một nghiên cứu ở Đài Loan, trong số những người không hút thốc, phụ nữ bị ung thư phổi có nhiều khả năng dương tính với HPV hơn nam giới. Nghiên cứu cũng liên kết các đột biến gen ảnh hưởng đến việc sửa chữa DNA và đột biến trong gen TP53 tăng nguy cơ ung thư phổi ở phụ nữ. Gen TP53 tạo ra một loại protein ngăn chặn sự sao chép của DNA bị hư hỏng, quá trình phân chia tế bào.
Mức độ estrogen cũng có thể là một yếu tố nguy cơ. Một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tiền mãn kinh bị ung thư phổi trải qua giai đoạn bệnh nặng hơn phụ nữ sau mãn kinh. Nghiên cứu khác chứng minh các thụ thể estrogen biểu hiện quá mức ở nhiều bệnh ung thư phổi.
Tuy nhiên, các hướng dẫn hiện hành trên thế giới về tầm soát ung thư phổi thường hỏi về tiền sử hút thuốc lá. Do đó, có xu hướng loại trừ các trường hợp ung thư phổi đang phát triển ở những người không hút thuốc. Trong khi đó, có tới 80,6% phụ nữ được chẩn đoán ung thư phổi không đáp ứng các tiêu chí sàng lọc mà Lực lượng phòng ngừa đặc nhiệm Mỹ (USPSTF) đưa ra vào năm 2013. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các hướng dẫn sàng lọc nên được mở rộng để bao gồm các yếu tố nguy cơ ngoài việc sử dụng thuốc lá, các thử nghiệm lâm sàng trong tương lai nên điều tra sự khác biệt dựa trên giới tính trong ung thư phổi.
Số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho biết, Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca mắc ung thư phổi, gần 24.000 ca tử vong vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nam, nữ giới bị ung thư phổi lần lượt là 18,9% và 9,1%.
Theo tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, phần lớn là nam giới. Ngoài ra, những người tiếp xúc với khói, bụi, quá trình luyện thép, niken, crom nếu không tuân thủ bảo hộ lao động cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Châu Vũ (Theo Medical News Today)