Trả lời:
Béo phì là bệnh mạn tính do tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể. Người béo phì không chỉ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, ung thư mà còn ảnh hưởng đến khối lượng cơ bắp và mật độ xương.
Khi lượng calo tiêu thụ vượt quá mức so tiêu hao, năng lượng dư thừa chuyển hóa thành mỡ tích lũy trong cơ thể, nhất là vùng bụng. Mỡ bụng thúc đẩy sản sinh nhiều hormone và chất gây viêm dẫn đến kháng insulin.
Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổng hợp protein cơ bắp và ức chế sự phân hủy cơ bắp. Kháng insulin làm suy giảm chuyển hóa protein trong cơ, dẫn đến giảm khối lượng cơ theo thời gian.
Tình trạng viêm thường gặp ở bệnh nhân béo phì có thể cản trở quá trình tổng hợp protein cơ bắp và thúc đẩy phân hủy cơ bắp. Mức độ tăng cao của các phân tử gây viêm có thể phá vỡ sự cân bằng giữa tổng hợp và thoái hóa protein cơ, dẫn đến mất cơ.
Béo phì làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như hormone tăng trưởng, testosterone và cortisol. Mất cân bằng nội tiết tố tác động tiêu cực đến sự phát triển và duy trì cơ bắp. Ví dụ, nồng độ cortisol tăng cao (thường thấy ở bệnh béo phì) khiến protein trong cơ bắp phân hủy, cản trở quá trình sửa chữa cơ bắp.
Mỡ thừa tích tụ không chỉ dưới da mà còn bên trong và xung quanh các cơ. Sự xâm nhập của chất béo vào các mô cơ làm suy giảm chức năng cơ, góp phần teo cơ bắp. Người bệnh béo phì thường lười vận động, thói quen này là yếu tố gây teo cơ (co rút) và giảm sức mạnh cơ bắp theo thời gian.
Trọng lượng cơ thể quá tải gây áp lực lên gân và các mô liên kết quanh khớp, có thể dẫn đến viêm gân, làm tăng nguy cơ đau khớp, tổn thương khớp và viêm xương khớp, nhất là các khớp chịu lực như đầu gối, hông và mắt cá chân.
Bạn tăng 8 kg trong ba tháng là quá nhanh, cần có chế độ ăn uống tập luyện phù hợp để giảm cân. Duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua dinh dưỡng cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm tác động tiêu cực của bệnh đến cơ bắp, xương, hỗ trợ đẩy lùi bệnh và ngăn ngừa những biến chứng khác.
Nếu cần giảm cân, bạn nên cân nhắc các phương pháp khoa học như mô hình điều trị toàn diện, đa mô thức để có hình thể đẹp, giảm mỡ nội tạng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |