Tăng tốc độ hô hấp
Cảm giác hơi thở gấp gáp sau khi tập luyện là do tốc độ hô hấp tăng lên. Trong khi tập thể dục, cơ bắp hoạt động, cần thêm oxy từ máu và cần máu lấy đi lượng carbonic mà chúng thải ra. Để đáp ứng điều này, nhịp thở và nhịp tim tăng lên.
Nhịp thở lúc cơ thể nghỉ ngơi là khoảng 15 lần mỗi phút. Khi tập thể dục, tốc độ này có thể tăng lên 40-60 lần mỗi phút. Nhịp thở quay lại bình thường sau khi ngừng hoạt động 15-30 phút. Người tập thể dục thường xuyên, cơ bắp hoạt động hiệu quả hơn theo thời gian, nhu cầu oxy cũng giảm đi, cảm thấy dễ thở hơn.
Điều kiện môi trường
Điều kiện môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp thở khi vận động. Không khí ô nhiễm, lạnh, khô đều có thể ảnh hưởng đến phổi. Chúng khiến đường thở co lại, kích thích phổi và cổ họng, gây khó thở. Nên uống đủ nước, tắm nước nóng sau khi tập thể dục, có thể quàng khăn quanh miệng để làm ấm không khí.

Nhịp thở tăng lên khi tập thể dục. Ảnh: Freepik
Lão hóa
Phổi bắt đầu suy giảm chức năng khi già đi. Đường thở, mạch máu trở nên kém linh hoạt hơn, các túi khí giãn nở khiến vận chuyển oxy kém hiệu quả hơn.
Tuổi tác cũng khiến khung xương ở lồng ngực cứng hơn, co bóp yếu khiến luồng không khí đi vào ít hơn. Cơ bắp cũng yếu đi, bao gồm cả cơ hoành (cơ hình vòm nằm bên dưới phổi). Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến khó thở hơn sau khi tập thể dục.
Mắc các bệnh hô hấp
Hen suyễn hoặc co thắt phế quản: Tình trạng này xảy ra khi đường dẫn khí đưa không khí vào phổi bị thu hẹp, có nguy cơ xảy ra khi tập thể dục, gọi là hen suyễn hoặc co thắt phế quản do tập thể dục.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): COPD bao gồm một nhóm bệnh như khí thũng, viêm phế quản mạn tính. Triệu chứng bao gồm ho, thở khò khè, khó thở, khó thở sâu, có nhiều đờm. Người bệnh dễ bị khó thở trong và sau khi tập thể dục.
Hút thuốc là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của bệnh COPD. Thuốc lá gây tổn thương, giảm chức năng và dung tích phổi. Tình trạng viêm do hút thuốc có thể giảm sau hai tuần bỏ thuốc. Dùng thuốc, phục hồi chức năng phổi giúp kiểm soát COPD và các bệnh phổi khác.
Bệnh xơ nang: Đây là một rối loạn di truyền xảy ra do đột biến gene khiến chất nhầy trong phổi đặc lại. Bệnh cũng ảnh hưởng đến đường thở dẫn đến thở khò khè, khó thở sau khi vận động. Điều trị bao gồm dùng thuốc, bổ sung enzyme để hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng thích hợp.
Bệnh phổi kẽ: Đặc trưng bởi sẹo và viêm trong phổi, có thể là nguyên nhân khó thở sau khi tập thể dục. Bệnh phổi kẽ điều trị tùy vào loại, mức độ nghiêm trọng.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |