Chạy là một bài tập aerobic, trong đó cơ thể cần một lượng lớn oxy. Hoạt động cường độ cao và gắng sức nhiều hơn có thể khiến bạn thở hổn hển. Điều này là do các tế bào không nhận đủ lượng oxy, dẫn đến hoạt động kém. Một khi nhu cầu oxy trong cơ thể được đáp ứng, nhịp thở trở lại bình thường. Một số yếu tố dưới đây có thể thúc đẩy cảm giác khó thở khi chạy bộ.
Chạy quá sức
Chạy bộ quá sức khi mới bắt đầu bộ môn này là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khó thở. Cơ thể cần thời gian và mức gắng sức phù hợp để đốt cháy chất béo, tăng sức bền và sức chịu đựng của cơ bắp.
Nếu một người chạy quá sức trong thời gian ngắn thì cơ thể chưa có thời gian thích nghi, dẫn đến căng thẳng cho phổi. Lúc này, tim phải làm việc nhiều hơn để cố gắng duy trì đủ lưu lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng đến cơ bắp. Chạy bộ với tốc độ và thời gian phù hợp, không nên vội vàng tăng thành tích.
Mắc bệnh lý
Người mắc bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí thũng, hen suyễn hoặc thừa cân, béo phì cũng có thể khó thở khi chạy bộ. Những tình trạng này thậm chí còn có thể dẫn đến khó thở mạn tính nếu không điều trị hoặc khắc phục kịp thời. Tập thể dục khi cơ thể bị ốm gây thêm căng thẳng cho tim và phổi. Ngoài ra, hút thuốc cũng có thể gây khó thở do chức năng phổi bị suy giảm.
Bỏ qua khởi động
Khởi động là một phần quan trọng để cơ thể sẵn sàng cho bất kỳ bài tập nào. Nó cũng giúp người chạy bộ ít bị hụt hơi nếu tăng dần tốc độ chạy.
Khởi động 5-10 phút với các động tác giãn cơ, nhất là cơ bắp chân, cẳng chân. Bắt đầu chạy chậm hoặc đi bộ trong ít nhất 15-20 phút trước khi tăng dần tốc độ. Nếu bên ngoài trời lạnh và khô, cơ trơn của đường hô hấp dẫn tới phổi có thể bị co thắt, khiến hít thở khó khăn hơn. Dành thêm thời gian để làm ấm đúng cách khi thời tiết lạnh giá.
Không kiểm soát hơi thở đúng cách
Đảm bảo cơ thể nhận đủ không khí vào phổi khi chạy bằng cách tập trung vào các kỹ thuật điều hòa hơi thở thích hợp. Người thở nông quá lâu trong khi chạy nhanh có nguy cơ bị tăng thông khí (tình trạng mất cân bằng giữa quá trình hít vào và thở ra).
Ưu tiên thở sâu từ bụng khi chạy vì lúc này cơ hoành (cơ ngăn giữa vị trí lồng ngực và ổ bụng) sẽ hoạt động. Giữ nhịp thở đều đặn khi chạy, hít vào 2-3 bước và thở ra trong 1-2 bước. Để cơ thể thư giãn khi chạy, hãy hạ thấp vai xuống nếu bạn cảm thấy phần trên cơ thể bị căng. Giữ tư thế thoải mái nhất có thể và hít thở sâu, đều. Tránh lo lắng căng thẳng vì chúng có thể làm cho tình trạng khó thở nặng hơn.
Không điều chỉnh tốc độ
Nếu người chạy bộ khó thở khi gắng sức, hãy dừng lại, đi bộ hoặc ít nhất là giảm cường độ hoạt động cho đến khi nhịp thở bình thường trở lại. Cường độ tập luyện càng cao càng có nguy cơ bị hụt hơi. Trường hợp cảm thấy khó thở dai dẳng khi chạy thì nên nghỉ giải lao một hoặc hai phút giữa các lần chạy từ 5 đến 10 phút, có thể đi bộ nhẹ nhàng.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |