Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ăn uống không điều độ khiến dạ dày rối loạn nhịp bài tiết, lâu dài làm suy yếu chức năng rào cản của niêm mạc dạ dày.
Thường xuyên ăn quá nhiều trong mỗi bữa tăng gánh nặng cho dạ dày, gây chướng bụng, ảnh hưởng nhu động ruột. Quá trình làm rỗng dạ dày chậm khiến axit dạ dày tiết ra quá mức, tạo áp lực lên cơ vòng thực quản dưới. Đây là nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng co bóp, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy, lên men trong dạ dày, gây đầy bụng và các cơn đau khó chịu.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng lớn đến sức khỏe dạ dày, song nhiều người có thói quen ăn uống theo sở thích. Do tính chất công việc, không ít người ăn vội vàng, theo bác sĩ Khanh. Thời gian từ khi bắt đầu đưa thức ăn vào miệng cho đến khi não bộ tiếp nhận thông tin là 20 phút, trong khi nhiều người chỉ tốn 10 phút để kết thúc bữa ăn, khiến cơ thể quá no trước khi não bộ bắt được tín hiệu.
Thói quen bỏ bữa sáng và ăn nhiều hơn vào buổi tối cũng không tốt. Ăn tối quá muộn hoặc thêm bữa khuya ngay trước giờ đi ngủ khiến dạ dày làm việc quá tải, vừa ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dễ gây tăng cân, béo phì và mắc nhiều bệnh lý khác, trong đó có bệnh dạ dày.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo mọi người chỉ nên ăn đủ no, khoảng 70-80% nhu cầu để cơ thể không đói, không tức bụng và bớt cảm giác thèm ăn. Ăn đúng bữa, giờ giấc điều độ, ăn chậm và nhai kỹ, tập trung vào bữa ăn, hạn chế xem tivi, nói chuyện khi dùng bữa.
Một bữa ăn nên kéo dài ít nhất 20 phút để đảm bảo thức ăn được nghiền nát, giảm gánh nặng cho cơ bắp và nhu động dạ dày, đồng thời kiểm soát lượng thức ăn nạp vào vừa đủ. Tăng cường rau, củ, quả trong chế độ ăn hàng ngày, tốt nhất là 150-200 g rau mỗi bữa, 200-500 g trái cây mỗi ngày, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Không nên ăn thực phẩm quá nhiều muối.
Trường hợp ăn quá no, bạn có thể làm dịu dạ dày bằng cách đi dạo để dễ tiêu hóa, tăng tốc thời gian đẩy thức ăn di chuyển đến ruột non, làm dịu chứng trào ngược axit.
Massage cũng hỗ trợ tiêu hóa nhanh, giảm đầy hơi. Xoa bóp bụng từ trái sang phải, vuốt dọc từ bụng về phía lồng ngực bằng bàn tay phẳng, sau đó đặt lòng bàn tay ở phía sau và di chuyển bàn tay về phía trước qua hông, xuống hai bên xương chậu về phía bẹn.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |