ThS.BS Trần Thùy Linh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gần đây tiếp nhận một số trường hợp trẻ sặc, nôn sau khi rửa mũi do nước muối chảy từ mũi vào vòm họng. Một số trường hợp khác rửa mũi sai tư thế khiến trẻ đau, chảy máu hoặc viêm tai giữa.
Mũi họng có lượng dịch tự nhiên vừa đủ để bôi trơn niêm mạc, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn. Nếu lạm dụng rửa mũi khiến trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên và lớp bảo vệ, mũi bị rát, kích ứng, thậm chí viêm nhiễm mạn tính.
Bác sĩ Linh lưu ý phụ huynh không lạm dụng rửa, nhỏ mũi cho trẻ khỏe mạnh như thói quen hàng ngày. Chỉ nên thực hiện khi trẻ có tình trạng viêm, ngạt và chảy nước mũi nhiều. Cha mẹ có thể vệ sinh mũi cho con sau khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi hoặc sau khi đi xa về, đặc biệt là trẻ có tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm xoang...
Với trẻ dưới 6 tháng, cha mẹ nên ngâm ấm lọ nước muối sinh lý khi trời lạnh, sau đó nhỏ 2-3 giọt vào mỗi bên mũi và dùng dụng cụ hút mũi để hút.
Phương pháp tự rửa mũi không nên sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi vì phản xạ thở miệng của trẻ chưa hoàn thiện. Sau khi rửa có thể kích thích gây ho, tuy nhiên phản xạ bảo vệ đường thở ít hiệu quả ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng. Cha mẹ cho trẻ ở tuổi này rửa mũi ở các cơ sở y tế.
Để vệ sinh mũi đúng cách, trước tiên, bình xịt mũi hoặc dụng cụ rửa cần vô khuẩn, có thể ngâm nước ấm vài phút trước khi rửa, đầu rửa không quá cứng nhằm tránh gây chấn thương cho trẻ. Dung dịch vệ sinh tốt nhất là nước muối đẳng trương (trong 100 ml dung dịch có 0,9 g muối). Sử dụng các dung dịch khác để vệ sinh, ví dụ như nước muối ưu trương (dung dịch nước muối được pha với tỷ lệ muối tinh khiết/nước cất cao hơn 0,9%) cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Nên vệ sinh mũi vào thời điểm trẻ tỉnh táo, tránh rửa vào ngay trước hoặc sau bữa ăn. Người lớn đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên trong quá trình thực hiện để tránh nguy cơ sặc do trào ngược, nôn trớ. Để rửa mũi bên trái thì đặt đầu trẻ quay sang phải và người rửa mũi đứng bên trái trẻ, tiếp tục làm ngược lại với mũi phải.
Sau đó, đặt đầu của dụng cụ vào lỗ mũi của trẻ, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra qua lỗ mũi bên kia. Cuối cùng dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng và trấn an trẻ.
Bác sĩ Linh khuyến cáo cha mẹ không nên rửa mũi quá ba lần một ngày nhằm tránh làm tổn thương mũi, không trộn thêm thuốc khác vào dung dịch nước muối. Không được dùng chung dụng cụ với các bé khác.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |