Tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể tác động đến nhiều cơ quan, dẫn đến nhiều bệnh. Dưới đây là ảnh hưởng của tiểu đường mà người bệnh nên biết để phòng ngừa.
Bộ não
Đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến nhận thức, nhất là suy nghĩ và trí nhớ. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn và có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 50% người không mắc bệnh. Bệnh nhân tiểu đường có mật độ và khối lượng chất xám ở các phần của não thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng của não. Tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong não, dẫn đến đột quỵ hoặc chết mô não.
Trái tim
Trái tim bơm máu đi nuôi khắp cơ thể. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bệnh tiểu đường là một trong 7 yếu tố nguy cơ chính gây ra vấn đề đối với trái tim. Phổ biến nhất là bệnh động mạch vành do sự tích tụ mảng bám (cholesterol) trong thành động mạch. Các mảng bám dễ bị vỡ ra và cản trở lưu thông máu. Tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh này vì có thể gây ra các vấn đề với tiểu cầu (các tế bào giúp đông máu).
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi người khỏe mạnh. Theo thời gian, tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh kiểm soát tim, mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì khả năng bị bệnh tim càng cao.
Lá phổi
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nhẹ như hen suyễn hoặc nghiêm trọng như xơ phổi. Viêm nhiễm do tiểu đường là nguyên nhân gây nên các tình trạng này. Các loại thuốc điều trị đường trong máu thấp cũng có thể góp phần gây ra bệnh phổi. Ví dụ, insulin có thể làm cho bệnh phổi nặng hơn.
Quả thận
Thận hoạt động như một hệ thống lọc loại bỏ chất thải, chất lỏng dư thừa và axit ra khỏi cơ thể. Thận khỏe mạnh giúp giữ cân bằng nước, muối và khoáng chất trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao do tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu trong thận, làm giảm khả năng làm sạch cơ thể của thận, dẫn đến tích tụ chất thải và chất lỏng trong máu. Nếu không được điều trị, bệnh thận đái tháo đường có thể gây suy thận, đe dọa tính mạng.
Dạ dày
Đường huyết cao có thể làm hỏng dây thần kinh phế vị (dây thần kinh chạy từ thân não xuống bụng). Dây thần kinh này bị tổn thương có thể gây liệt dạ dày, dẫn đến tiêu hóa thức ăn chậm hơn nhiều so với bình thường. Liệt dạ dày do tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng như: mất nước, trào ngược dạ dày thực quản, suy dinh dưỡng, thay đổi đường huyết khó đoán trước.
Tuyến tụy
Đường huyết cao có thể do tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc không sản xuất insulin. Ung thư tuyến tụy có thể là hậu quả của bệnh tiểu đường nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh này. Người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn tiểu đường type 1.
Cơ quan sinh dục
Tổn thương hệ tuần hoàn làm giảm lưu lượng máu đến dương vật, gây rối loạn cương dương. Sức khỏe của tinh trùng cũng phụ thuộc vào khả năng xử lý glucose của cơ thể. Khả năng này bị tổn hại dẫn đến tinh trùng kém, ít di động hơn và có thể không thụ tinh với trứng. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mức testosterone thấp, ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng và dẫn đến giảm ham muốn tình dục.
Bệnh có thể gây tổn thương thần kinh dẫn đến khô âm đạo ở phụ nữ. Tổn thương mạch máu có thể dẫn đến thiếu lưu lượng máu đến các cơ quan sinh sản nữ. Với phụ nữ không mắc tiểu đường, insulin giúp thúc đẩy quá trình sản xuất hormone duy trì các mô sinh sản và điều hòa sự rụng trứng. Khi bị tiểu đường, quá trình này có thể không hoạt động. Bệnh này cũng có liên quan hội chứng buồng trứng đa nang do nồng độ testosterone cao, làm giảm rụng trứng hoặc giải phóng trứng, khiến khó mang thai.
Mai Cat (Theo Very Well Health)