Ông Nguyễn Minh Châu (ngụ Đồng Nai) ngất xỉu do không thể ăn uống, suy kiệt, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Kết quả chụp CT cho thấy khối u ở hang vị dạ dày (vùng thấp của dạ dày) gây hẹp môn vị. Dạ dày giãn lớn do thức ăn không thể xuống ruột non để tiêu hóa. Phổi có dấu hiệu viêm, giãn phế quản. Kết quả sinh thiết ghi nhận đây là khối u ác ở dạ dày, chưa di căn qua các cơ quan khác như não, gan.
Ngày 8/10, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi, cho biết bệnh nhân cần được mổ loại bỏ khối u càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân quá kém không đáp ứng phẫu thuật, thể trạng gầy, chỉ số khối cơ thể (BMI) 15, thiếu máu, viêm phổi cộng với nguy cơ sặc gây viêm phổi hít trong quá trình đặt nội khí quản (do dạ dày ứ đọng nhiều thức ăn cũ).
Do đó, các bác sĩ quyết định bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân trước để ổn định thể trạng, điều trị viêm phổi bằng kháng sinh, truyền máu trước vì mất máu trầm trọng do xuất huyết dạ dày thời gian dài. Một tuần sau, ê kíp phẫu thuật cắt bán phần dưới dạ dày, loại bỏ hoàn toàn khối u và nạo hạch xung quanh. Dạ dày giãn lớn nên thao tác khi mổ nội soi khó khăn hơn so với khối u ở giai đoạn sớm, đồng thời các bác sĩ cũng phải rửa dạ dày để khâu nối tốt hơn.
Sau mổ hai ngày, người bệnh hồi phục tốt, ăn uống, đi lại nhẹ nhàng, không còn đau bụng, nôn ói hay đi tiêu ra máu. Bệnh nhân xuất viện sau gần một tuần với kết quả giải phẫu bệnh giai đoạn IIB và sẽ tiếp tục hóa trị hỗ trợ để ngăn tái phát.
Theo bác sĩ Thái, phương pháp nội soi tiêu hóa cắt bỏ khối u có thể điều trị khỏi hoàn toàn u dạ dày sớm. Tuy nhiên, bệnh ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ ràng, do đó chỉ phát hiện nếu chủ động tầm soát thường xuyên. Triệu chứng bệnh muộn là chán ăn, mệt mỏi, đau vùng trên rốn mơ hồ và có cảm giác nóng rát, sụt cân, thiếu máu, sờ thấy khối u... Ở gian đoạn này, ngoài phẫu thuật, người bệnh có thể phải hóa trị và xạ trị bổ sung.
Một số yếu tố nguy cơ u dạ dày như ăn nhiều món cay, đồ nướng, nhiều thịt nhưng ít chất xơ, lười vận động, hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích. Bệnh có khả năng di truyền, người trên 40 tuổi nhiễm vi khuẩn H.P dễ mắc hơn.
Ung thư dạ dày là bệnh lý nguy hiểm và có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Globocan, năm 2020, số ca mắc mới ung thư dạ dày ở Việt Nam khoảng 17.900, đứng sau ung thư gan, phổi và vú. Số ca tử vong hơn 14.610 người.
Mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống và vận động khoa học, tầm soát sức khỏe định kỳ để phòng bệnh. Người có dấu hiệu bất thường nên đi khám để phát hiện bệnh sớm, điều trị dễ dàng hơn.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |