Con gái của anh Tiến mắc bệnh sởi, điều trị 7 ngày tại bệnh viện. Sau đó, anh Tiến sốt cao ba ngày, nghĩ "người lớn không mắc sởi" nên tự mua thuốc uống. Tình trạng nặng, anh không ăn uống được, xét nghiệm máu tại nhà cho kết quả tiểu cầu giảm, đến viện khám.
Ngày 20/1, TS.BS Lê Xuân Luật, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phổi anh Tiến có tổn thương hai bên kèm tiêu chảy, tiền sử viêm gan cấp, men gan tăng cao. Hai ngày sau nhập viện, toàn thân người bệnh nổi ban mẩn đỏ sưng nề lan từ mặt xuống chân. Mắt sưng đỏ và nhìn mờ do viêm kết mạc, viêm giác mạc. Biến chứng sởi khiến người bệnh suy hô hấp, phải thở oxy.
Bác sĩ Luật cho biết sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu như cúm, phác đồ chữa bệnh là giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng. Bác sĩ khoa Hô hấp dùng thuốc kháng sinh liều cao chữa viêm phổi phối hợp khoa mắt điều trị tổn thương mắt bằng thuốc đặc hiệu.
Sau 10 ngày điều trị, tổn thương ở phổi giảm, các ban đỏ dần hết, anh có thể tự thở, tổn thương mắt giảm, men gan hạ. Anh xuất viện, tiếp tục uống thuốc và theo dõi.
Bác sĩ Luật cho biết tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh sởi ở người lớn ghi nhận 5 ca một tuần, đa số các ca có kèm theo các biến chứng. Nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, viêm kết mạc mắt hoặc rối loạn tiêu hóa, tăng men gan phải điều trị hồi sức tích cực. Nhiều bệnh nhân không xác định được đã tiêm sởi hay chưa, người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian, mắc bệnh nền, điều trị hóa chất, ung thư...
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp do hắt hơi, tiếp xúc gần với người nhiễm. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Số ca sởi dương tính là hơn 6.700, tăng hơn 130 lần so với năm 2023.
Bác sĩ Luật cho hay người bệnh sởi chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời có thể tử vong. Những người không có tiền sử tiêm vaccine rõ ràng nên tiêm nhắc lại mũi sởi. Khi có dấu hiệu ho sốt, người bệnh cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp. Phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, cách ly người bệnh, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nơi ở, hạn chế đến nơi đông người.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |