GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp không đảm bảo được chức năng trao đổi khí, có thể dẫn đến thiếu oxy máu trầm trọng, ảnh hưởng không hồi phục đến các cơ quan trọng yếu như tim, thận, não,... đe dọa tính mạng người bệnh. Chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần nhận biết và điều trị sớm các triệu chứng bất thường ở đường hô hấp để kịp thời ngăn ngừa bệnh diễn tiến đến tình trạng suy hô hấp.
Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp
Suy hô hấp có thể xảy ra trên một bệnh nhân chưa có bệnh lý gì từ trước hoặc trên nền bệnh nhân có bệnh mạn tính. Theo Giáo sư Châu, các nguyên nhân thường gặp là:
Dị vật đường thở: thường gặp ở trẻ em và người già yếu, khi đang ăn đột ngột xuất hiện khó thở dữ dội, khàn, mất tiếng, ho sặc sụa, tím tái,...
Tràn khí màng phổi: Bệnh nhân đột ngột xuất hiện khó thở, đau ngực, tăng khi hít vào, di chuyển, thường sau một gắng sức hoặc tự phát gặp ở người trẻ tuổi chưa có bệnh lý phổi hay tiền sử chấn thương ngực.
Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Ở bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh lý phổi trước đó, đợt này xuất hiện triệu chứng khó thở tăng, ho đờm tăng, đờm đục, có thể có sốt.
Cơn hen phế quản cấp nặng: Bệnh nhân hen phế quản không được điều trị duy trì đúng cách, bỏ thuốc, tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen như một số dị nguyên hoặc nhiễm trùng phổi.
Viêm phổi nặng: Bệnh nhân đau ngực, sốt, ho khạc đờm đục, khó thở.
Suy tim: Khiến lưu lượng tuần hoàn bị ứ trệ, quá trình trao đổi khí tại phổi không đáp ứng đủ nhu cầu cho cơ thể.
Các triệu chứng thường gặp
GS.TS.BS Ngô Quý Châu cho biết, triệu chứng của suy hô hấp sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Bệnh thường diễn biến từ từ đến nặng dần trên người có bệnh lý hô hấp, tim mạch mạn tính, hoặc diễn biến đột ngột ở những người chưa có tiền sử bệnh đặc biệt. Khó thở là triệu chứng quan trọng. Người bệnh có thể thở nhanh nông, hoặc thở chậm, nhịp thở không đều.
Tím tái: Giai đoạn sớm xuất hiện ở quanh môi, đầu chi. Nặng hơn là tím toàn thân. Người bệnh có thể vã mồ hôi. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực: thường ở bệnh nhân suy hô hấp do tràn khí màng phổi, viêm phổi; rối loạn tim mạch: tăng huyết áp, mạch nhanh, trường hợp nặng sẽ huyết áp tụt, rung nhĩ, cơn nhịp nhanh; rối loạn ý thức: gặp trong trường hợp nặng của suy hô hấp, có thể vật vã kích thích muộn hơn là lơ mơ, hôn mê.
Ai có nguy cơ suy hô hấp?
Trẻ sinh non
Trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp cao hơn những trẻ khác, nguyên nhân là do phổi trẻ chưa phát triển hoàn thiện, có nguy cơ tăng áp phổi và các dị tật bẩm sinh khác ở phổi.
Người lớn tuổi
Người lớn tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ suy hô hấp vì sức đề kháng giảm sút, nhiều bệnh lý đồng mắc nhiễm trùng tại phổi thường diễn tiến nặng nề hơn.
Người thường tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại
Việc phải tiếp xúc với các chất kích thích như khói bụi, hóa chất, amiăng, thuốc nhuộm,... lâu ngày có thể gây tổn thương phổi, khiến hệ hô hấp không đảm bảo được vai trò trao đổi khí.
Người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
Người thường xuyên hút thuốc lá, hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) trong thời gian dài có khả năng cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các đợt khó thở, suy hô hấp dai dẳng.
Người sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia quá nhiều, dùng thuốc an thần,... có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh - cơ quan có vai trò kiểm soát nhịp thở. Lúc này, người bệnh có thể thở chậm, hơi thở nông, giảm thông khí, dẫn đến CO2 máu tăng cao.
Người có tiền sử chấn thương ở đường hô hấp
Người bệnh mắc các bệnh lý như xơ phổi, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Người bệnh mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ có nhiệm vụ kiểm soát hơi thở như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), chấn thương tủy sống, đột quỵ...
Người bệnh gặp các vấn đề ở cột sống, có thể ảnh hưởng đến xương và cơ dùng để thở như cong vẹo cột sống. Bên cạnh đó, người gặp các chấn thương ở ngực và phổi, gây ra các tổn thương ở mô và xương sườn xung quanh phổi hoặc tổn thương trực tiếp lên phổi cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Để chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ tổn thương hệ hô hấp, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của người bệnh, quan sát thăm khám các cơ quan, bộ phận và có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu cho biết, mục đích chính của việc điều trị suy hô hấp chính là nhanh chóng đưa oxy đến phổi và các cơ quan khác, đồng thời loại bỏ carbon dioxide (CO2) ra khỏi cơ thể người bệnh. Luôn tuân thủ nguyên tắc theo dõi sát tình trạng bệnh nhân, phát hiện sớm dấu hiệu suy hô hấp để xử trí cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân được khai thông đường thở bằng cách: cổ ưỡn, hút đờm dãi, nằm nghiêng an toàn nếu có nguy cơ sặc, thực hiện nghiệm pháp Hemlich nếu nghi ngờ dị vật đường thở. Đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo trong trường hợp nặng: bệnh nhân hôn mê, mất phản xạ ho khạc,...
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm điều trị nguyên nhân hoặc cải thiện triệu chứng suy hô hấp.
"Hãy đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường ở đường hô hấp. Thông qua thăm khám, chẩn đoán và các phương pháp cận lâm sàng xác định tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có tư vấn hướng điều trị phù hợp giúp giải quyết các triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ suy hô hấp xảy ra", GS.TS.BS Ngô Quý Châu khuyến cáo.
Các biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng tránh suy hô hấp là:
Tuân thủ đúng phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ khi bạn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc các bệnh lý khác.
Thực hiện các biện pháp giữ cho phổi khỏe mạnh như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không lạm dụng thuốc khi không có chỉ định từ bác sĩ.
Thay đổi lối sống, sinh hoạt lành mạnh như chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng; tập luyện thể dục, thể thao; kiểm soát cân nặng hợp lý; cân bằng cảm xúc, hạn chế căng thẳng để có giấc ngủ chất lượng.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vaccine cúm, phế cầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Thúy Nguyễn