Trả lời:
Viêm giáp bán cấp là tình trạng viêm cấp tính của tuyến giáp, ít gặp, thường xảy ra do virus, ảnh hưởng đến chức năng sản xuất hormone của tuyến giáp.
Bệnh viêm tuyến giáp bán cấp có thể trải qua 3-4 giai đoạn. Giai đoạn cường giáp xảy ra trước do tế bào tuyến giáp bị phá hủy, phóng thích một lượng lớn hormone giáp vào máu gây nhiễm độc giáp. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn bình giáp, kéo dài vài tuần.
Sau một thời gian ngắn, các tế bào đã bị phá hủy chết đi, lượng tế bào phục hồi đủ không đủ khả năng sản xuất hormone giáp, gây giảm hormone tuyến giáp dẫn đến giai đoạn suy giáp (hay nhược giáp).
Giai đoạn hồi phục xảy ra cuối cùng, khi chức năng tuyến giáp trở lại bình thường. Sau mỗi đợt suy giáp, có một lượng tế bào tuyến giáp bị phá hủy.
Viêm giáp bán cấp chia làm ba loại. Viêm giáp u hạt bán cấp phổ biến nhất, xảy ra do tuyến giáp bị virus tấn công. Viêm giáp sau sinh ít gặp, chỉ xảy ra ở một số ít phụ nữ sau sinh. Triệu chứng xuất hiện trong khoảng 12 tháng sau khi sinh và hết trong vòng 18 tháng. Viêm giáp không đau hay viêm giáp lympho bào thầm lặng, thường gặp ở một số phụ nữ sau khi sinh con. Ở dạng này, triệu chứng cường giáp xuất hiện trước (thường trong vòng ba tháng sau sinh) rồi đến các biểu hiện suy giáp.
Triệu chứng đặc trưng của viêm giáp bán cấp là sưng, đau ở tuyến giáp, nhất là khi dùng tay ấn vào. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau lan rộng ở cổ, tai hoặc hàm. Một số biểu hiện thường gặp khác như sốt, cơ thể mệt mỏi, yếu, khó nuốt, khàn tiếng.
Hiện, không có biện pháp đặc hiệu nào giúp phòng ngừa viêm giáp bán cấp, do chưa xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp, bệnh có thể tự hồi phục. Điều trị viêm giáp bán cấp thường là điều trị giúp giảm triệu chứng.
Bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng cụ thể, từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất.
Mọi người có thể tiêm chủng vaccine sởi, quai bị, rubella hoặc vaccine cúm để ngăn ngừa một số nguyên nhân gây viêm giáp bán cấp. Lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ nhiễm virus, có thể làm giảm nguy cơ viêm giáp bán cấp, gồm ăn uống điều độ, lành mạnh, khoa học, đầy đủ dinh dưỡng.
Tránh các thực phẩm không lành mạnh như rượu bia, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn; thường xuyên tập thể dục, thể thao để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh. Xây dựng và duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, ngủ sớm, hạn chế thức khuya, làm việc quá sức.
BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |