Em bị viêm da (chàm) mấy năm nay. Mấy tháng trước khi chưa tiêm ngừa mũi một vaccine AstraZeneca, em thường hay bị đau, sưng khớp mắt cá và mu bàn chân trái (ban ngày), từ đêm đến sáng hôm sau khi thức dậy thì lại xẹp xuống gần như bình thường. Chu kỳ này được lặp đi lặp lại thường xuyên.
Sau khi em đi tiêm ngừa mũi AstraZeneca lần một được hơn 5 tuần thì bàn chân trái lại hết sưng và đau, giờ lại bị đau và hơi sưng ống cổ tay trái và ngón cái. Ngón cái gập lại đau và có tiếng kêu rắc rắc. Ban đêm, em khó ngủ (chỉ ngủ độ khoảng 4-5 giờ), ban ngày thì buồn ngủ. Em có dùng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp và cải thiện giấc ngủ thường xuyên. Nhờ bác sĩ tư vấn, em mắc bệnh gì? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Võ Nguyên Dũng)
Trả lời:
Tình trạng hiện tại của anh là sưng đau vùng cổ tay, kèm đau ngón cái và có tiếng kêu khi làm động tác gập ngón thì thường liên quan đến tình trạng viêm gân vùng ngón tay cái, đặc biệt là gân gấp ngón cái. Giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể chỉ xuất hiện đau khi thực hiện các động tác gập ngón, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời và đúng cách bệnh có thể tiến triển nặng hơn dẫn đến tình trạng khó khăn khi gấp ngón tay, hậu quả là phải dùng tay còn lại để trợ giúp. Cuối cùng, ngón tay có thể mất khả năng gấp duỗi, bị kẹt ở một tư thế gọi là ngón tay cò súng hay ngón tay lò xo.
Bệnh lý viêm gân gấp thường gặp ở bệnh nhân sử dụng ngón tay nhiều, thực hiện các động tác gập ngón, véo, nắm lặp đi lặp lại; có thể liên quan đến nghề nghiệp như giáo viên, thợ thủ công, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, nhân viên văn phòng sử dụng chuột máy tính nhiều... Bệnh cũng có thể gặp sau chấn thương hoặc các bệnh lý viêm toàn thân như viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, viêm khớp vẩy nến, gút... Hiện nay chưa ghi nhận triệu chứng viêm gân gấp sau tiêm vaccine.
Trong trường hợp cụ thể của anh, anh đã có tiền căn sưng đau vùng mu bàn chân trước khi tiêm, về sau xuất hiện tình trạng viêm gân gấp ngón tay. Do đó, ở người bệnh, bác sĩ chưa loại trừ các bệnh lý viêm toàn thân và ít nghĩ liên quan đến việc tiêm vaccine. Để chẩn đoán xác định nguyên nhân, bác sĩ cần thực hiện siêu âm khớp mô mềm, kiểm tra tình trạng viêm hệ thống bằng cách xét nghiệm máu lắng, CRP và các yếu tố tự miễn khác.
Để điều trị bệnh lý viêm gân gấp, trước tiên người bệnh cần hạn chế việc vận động và sử dụng ngón tay đang bị viêm, có thể kết hợp chườm lạnh, nẹp cố định. Đồng thời, người bệnh sẽ được kê toa các thuốc kháng viêm phù hợp như nhóm NSAIDs (Meloxicam, Etoricoxib, Celecoxib...); tiêm corticoid tại chỗ nếu không đáp ứng với thuốc uống. Trường hợp các ngón tay bị kẹt ở tư thế cò súng, người bệnh phải được can thiệp thủ thuật giải phóng phần viêm xơ mới có thể hồi phục chức năng vận động của gân.
Nếu bệnh cảnh viêm gân này có liên quan đến các bệnh lý viêm hệ thống, tùy chẩn đoán cụ thể người bệnh sẽ được điều trị và có kế hoạch theo dõi lâu dài. Vì thế, tốt nhất anh nên đi thăm khám ở bệnh viện.
ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM