Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết trẻ bị ốm chủ yếu do nhiễm khuẩn bởi sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus.
Khi vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể sẽ có hàng loạt đáp ứng để chống lại mầm bệnh. Sự đáp ứng này phụ thuộc vào mức độ, thời gian nhiễm khuẩn, tình trạng dinh dưỡng, khả năng miễn dịch và bệnh tật kèm theo.
Ở bất cứ giai đoạn bệnh nào trẻ đều đối mặt với tình trạng mất cân bằng chất dinh dưỡng. Cụ thể, các chuyên gia nhận thấy, khi trẻ bị nhiễm khuẩn dẫn đến giảm sắt và kẽm trong máu. Đó là do sự thay đổi cytokine trung gian ảnh hưởng đến protein vận chuyển và dự trữ các muối khoáng này.
Sắt và kẽm đáp ứng tổng hợp DNA để tạo ra tế bào miễn dịch. Sắt được chuyển tới tế bào gan dưới dạng dự trữ hemosiderin giúp chống nhiễm khuẩn. Nếu thiếu máu thiếu sắt, giảm tổng hợp hemoglobin, trẻ đối mặt với nguy cơ tăng nhiễm khuẩn, tăng nhịp tim, khó thở, khó hồi phục...
Nhiều chất khoáng và vi lượng còn bị mất qua nước tiểu như: nito, kali, phosphor, magie, lưu huỳnh, kẽm.
Nếu có tiêu chảy, các chất khoáng còn mất nhiều hơn. Mặt khác, dùng nhiều kháng sinh trong nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin. Khi nhiễm khuẩn, trẻ cũng thường chán ăn, buồn nôn làm giảm tiếp nhận khẩu phần ăn.
Ở trẻ suy dinh dưỡng dưới 6 tuổi, khi bị ốm, năng lượng khẩu phần ăn giảm 20% tương đương 170-180 kcal/ngày. Ước tính, sốt gây giảm 10-40% năng lượng tiếp nhận từ khẩu phần ăn. Trẻ suy dinh dưỡng có sốt mức giảm ăn từ 25-35%.
Do đó, chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ chất giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ liệu pháp điều trị, giúp trẻ nhanh khỏi. Ở mỗi giai đoạn bệnh, phụ huynh nên bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé.
Giai đoạn toàn phát
Trong giai đoạn này, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, vì vậy cần ăn thức ăn lỏng, nửa lỏng, dễ tiêu hóa. Ví dụ như bột, cháo, súp, mì, miến, phở. Bệnh nhi cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày, khoảng 2-3 giờ/lần với chế độ ăn tăng dần năng lượng và protein. Ngoài ra, bé cần cần hấp thu đủ nước, vitamin, khoáng chất: vitamin nhóm B, vitamin C, kẽm.
Đối với trẻ bú mẹ, trẻ nên bú mẹ nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ ăn dặm, bé sẽ ăn bột, cháo loãng hơn bình thường nhưng vẫn giữ nguyên tắc đủ 4 nhóm thực phẩm. Cha mẹ sử dụng loại hạt nảy mầm (giá đỗ, mầm ngô, mầm lúa...) và hóa lỏng thức ăn nhằm tăng đậm độ năng lượng trong bột, cháo của trẻ.
Nhu cầu nước phụ thuộc vào tuổi, cân nặng của trẻ. Thông thường, bé cần khoảng 0,5-1,5 lít nước mỗi ngày (bao gồm nước trong sữa và thực phẩm). Bé nên sử dụng nước từ quả chín, nước rau, nước oresol, vitamin và khoáng chất.
Giai đoạn phục hồi
Cha mẹ cho bệnh nhi ăn tăng dần, duy trì chế độ ăn hồi phục giàu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin nhóm B, C, kẽm.
Trẻ cần phát triển để bắt kịp đà tăng trưởng. Trẻ ốm nhu cầu năng lượng nên tăng từ 30-50% và nhu cầu protein tăng từ 30-100% so với nhu cầu bình thường.
Trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt, không cần tăng cân nhiều. Để tránh béo phì thì nhu cầu năng lượng và protein của bé nên tuân theo khuyến nghị của FAO/WHO như sau:
Tháng tuổi |
Tăng cân/ngày (g/kg thể trọng) |
% tăng vượt nhu cầu theo tuổi |
|
Năng lượng (%) |
Protein (%) |
||
6-9 tháng |
1,83 |
14,5 |
50 |
10-12 tháng |
1,15 |
8,5 |
45 |
13-18 tháng |
0,67 |
5 |
32 |
19-24 tháng |
0,5 |
3,5 |
25 |
Hoài Thương