Trẻ ốm cần được lưu ý nhịp sinh hoạt, nạp thêm dinh dưỡng để chóng phục hồi. Phụ huynh nên chăm sóc trẻ ốm theo hướng dẫn của bác sĩ và thuận theo thể trạng tự nhiên của con. Một số lưu ý dưới đây giúp ba mẹ an tâm chăm sóc cho con không cần đến dùng thuốc kháng sinh.
Trẻ mọc răng và bị đau nướu: Ba mẹ chuẩn bị cho con đồ chơi mọc răng chuyên dụng giúp làm dịu nướu và theo dõi nếp sinh hoạt của con những ngày này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo, không nên dùng gel mọc răng cho trẻ nhỏ, do sản phẩm này có chứa chất gây tê cục bộ benzocaine có hại cho trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ có thể nuốt phải, gây tê cổ họng và có biểu hiện như bị nghẹn.
Các nghiên cứu đến nay cho thấy, không có mối liên hệ giữa mọc răng và sốt, sổ mũi hoặc tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu ba mẹ nhận thấy bé sốt trên 37,8 độ C và lo lắng về tình trạng đau răng của bé, hãy tìm hỗ trợ từ bác sĩ nhi khoa.
Trẻ bị sốt: Nhiệt độ cơ thể bé tăng cao lúc sốt nhằm chống lại virus hoặc vi khuẩn là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Một số trẻ bị sốt trong suốt quá trình nhiễm virus hồi phục nhanh hơn những trẻ không bị sốt. Phụ huynh nên lưu ý đến nhịp ăn uống của con trong thời gian này và an tâm nếu trẻ sốt không quá 40 độ C. Thông thường, bé sẽ giảm sốt trong vòng 3 ngày khi mắc một số vấn đề về hô hấp dạng nhẹ. Nếu tình trạng không thuyên giảm sau ba ngày, ba mẹ nên đưa con đi thăm khám với bác sĩ nhi để được chẩn đoán cụ thể.
Trẻ bị nhiễm trùng tai: Nhiễm trùng tai thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh. Bệnh lý có thể do virus hoặc vi khuẩn tạo chất lỏng thừa gây tắc tai tạm thời. Một nghiên cứu trên tạp chí Nhi khoa (Mỹ) cho thấy, có một nửa trẻ em bị nhiễm trùng tai cấp tính sẽ tự khỏi và không cần uống thuốc. Ba mẹ chỉ nên cho con uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi con có dấu hiệu đau tai. Một nghiên cứu trên 1.000 trẻ bị nhiễm trùng tai cho thấy, có gần 60% trẻ được chỉ định chăm sóc cá nhân và khỏi ốm tự nhiên.
Trẻ bị đau mắt đỏ: Trẻ nhỏ đi học thường bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc) và lây cho nhau. Bác sĩ nhi khoa sẽ xác định trường hợp trẻ đau mắt đỏ là do vi khuẩn hay virus. Theo các thống kê y tế, 50% trường hợp trẻ bị viêm kết mạc có thể do virus và không cần dùng thuốc kháng sinh. Có 3 dấu hiệu cho thấy bé bị nhiễm trùng mắt do virus: bé viêm kết mạc sau 6 tuổi, mắt bé bị ốm có màu hồng và chỉ chảy nước, mắt bé mở to bình thường sau khi ngủ dậy (không bị dịch nhầy gây đóng mắt, cơ mắt hoạt động bình thường).
Bác sĩ sẽ hỗ trợ ba mẹ theo dõi tình trạng trẻ đang gặp phải như: sổ mũi, ho, sốt, đau tai và thời gian kéo dài của các triệu chứng; ưu tiên hạn chế kê toa thuốc kháng sinh. Khi nhận thấy con bị mắt đỏ và không tự mở mắt sau khi ngủ dậy, mắt bé chuyển vàng hoặc xanh, ba mẹ nên đưa con đi thăm khám để được điều trị kịp thời.
Mai Chi (Theo Parents)