Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành nước ta năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng 18 lần so với năm 2015. Thuốc lá điện tử đặc biệt thu hút thanh thiếu niên, vì nhiều người cho rằng nó không chứa nicotine, không hoặc rất ít gây hại đến sức khỏe so với thuốc lá đầu lọc.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine, do đó vẫn gây nghiện như thuốc lá truyền thống. Nicotine trong thuốc lá điện tử thường không được định lượng rõ ràng, do đó dễ dẫn đến việc dùng liều cao, gây tình trạng ngộ độc cấp. Nicotine làm giảm trí nhớ, giảm sự phát triển của não bộ, giảm tưới máu dẫn đến bệnh tim mạch.
Thuốc lá điện tử gây hại không kém thuốc lá đầu lọc chính vì mùi thơm của nó. Khi sản xuất thuốc lá điện tử, các công ty thường đưa vào tinh dầu tạo mùi thơm của trái cây, bánh ngọt, kẹo... nên cả người hút và người ngửi khói thuốc đều thích ngửi. Theo bác sĩ Hương, điều này không chỉ tăng nguy cơ nghiện thuốc, mà các tinh dầu này cũng chứa nhiều hóa chất gây hại cho sức khỏe. Việc đốt tinh dầu thuốc lá điện tử sẽ sản sinh ra các chất như Formaldehyde, Acetaldehyde, Acrolein gây ung thư, gây tổn thương phổi và các bệnh tim mạch, gây dị dạng trên thai nhi.
Bác sĩ Hương lưu ý, mùi thơm của thuốc lá điện tử khiến nhiều người thích ngửi, đến mức nghiện. Xu hướng của con người khi thấy mùi thơm sẽ hít rất sâu, vô tình đưa một lượng lớn khói thuốc đi sâu vào phổi, tàn phá sức khỏe nhanh hơn. Khói thuốc lá điện tử tạm thời không gây ho, khó chịu tại thời điểm hít phải, nhưng các chất độc hại vẫn sẽ ngấm từ từ, gây bệnh cho cơ thể. Trong quá trình hút thuốc lá điện tử, chất hóa học có thể bám vào quần áo, chăn ga gối, từ đó ngấm qua niêm mạc, gây hại cho sức khỏe.
Đáng chú ý, một số loại thuốc lá điện tử thế hệ mới hiện nay có thành phần ma túy tổng hợp, nhằm tăng cảm giác "phê" cho người hút, càng dùng càng nghiện. Bác sĩ Hương cảnh báo nhiều trường hợp thanh thiếu niên bị ngộ độc, hoang tưởng, thậm chí suy tim, gan, thận do hút thuốc lá điện tử có chứa ma túy, phải nhập viện điều trị. Một nguy cơ khác là hiện tượng nổ pin trong lúc sạc hoặc sử dụng thuốc lá điện tử. Theo báo cáo trên tạp chí BMJ, chỉ trong 2 năm từ 2015-2017 tại Mỹ đã có trên 2.000 người bị thương do nổ hoặc bỏng thuốc lá điện tử.
"Người hút thuốc lá điện tử cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Người không hút cần tránh tối đa tiếp xúc với khói thuốc, không nên thấy mùi thơm mà ngửi nhiều", bác sĩ Hương khuyến cáo.
Bác sĩ hướng dẫn một số cách làm giảm cơn thèm thuốc lá điện tử, hướng đến cai hẳn thuốc. Khi đột ngột dừng hút thuốc, cơ thể sẽ có phản ứng "thèm" nicotine, biểu hiện là đau đầu, đổ mồ hôi, dễ cáu gắt, khó tập trung, dễ xuống tinh thần, khó ngủ. Khi thèm thuốc nên uống nước, có thể cắn ống hút để tạo cảm giác "giả" đang ngậm điếu thuốc, ăn kẹo, trái cây để đỡ nhạt miệng. Nhiều người gặp tình trạng khó ngủ, mệt mỏi trong quá trình cai thuốc, vì thế cần ưu tiên giấc ngủ, nên ngủ khi có cơn buồn ngủ. Giữ tâm trí không có thời gian rảnh nghĩ về thuốc lá bằng cách tăng cường đi dạo, đạp xe, đi xem phim, các hoạt động ngoài trời khác.
Bác sĩ Hương nhấn mạnh, người hút thuốc lá điện tử cần bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt để tránh những tác hại của thuốc lên sức khỏe; nên tầm soát các bệnh về phổi như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần, kể cả có triệu chứng hay không. "Tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp mắc ung thư phổi sau thời gian dài hút thuốc lá nhờ chụp cắt lớp vi tính liều thấp. Chương trình tầm soát hen suyễn, COPD hàng năm tại Khoa Hô hấp cũng ghi nhận đến 70% người hút thuốc có mắc COPD", bác sĩ thông tin.
Hoài Phạm