Theo bác sĩ Phan Thị Thu Minh, Phó Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) là phản ứng viêm, sốc trong cơ thể không được xử lý dẫn đến suy các cơ quan, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc cơ quan tiêu hóa. Hội chứng xuất hiện phổ biến sau khi người bệnh nhiễm Covid-19, đa số khoảng 2-6 tuần, trong đó có trẻ em. Một số trẻ có thể mắc viêm đa hệ thống sau 6 tuần, thậm chí sau 3 tháng. Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến tim, mạch máu, các cơ quan nội tạng khác khiến bé xuống sức nhanh, cần chăm sóc khẩn cấp.
"MIS-C có triệu chứng gần giống Kawasaki, bệnh có ảnh hưởng tới mạch vành - mạch nuôi cơ tim có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng lâu dài nếu không được xử lý kịp thời. Hội chứng MIS-C khá hiếm gặp, hầu hết trẻ mắc đều cải thiện sức khỏe nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời", bác sĩ Thu Minh nói.
Bác sĩ Thu Minh thông tin, các triệu chứng báo hiệu trẻ mắc chứng hệ thống viêm đa nhiễm gồm: sốt kéo dài 24 tiếng hoặc hơn; nôn; tiêu chảy; đau bụng; phát ban da; buồn ngủ bất thường; tim đập nhanh; thở dốc; mắt đỏ; môi lưỡi sưng đỏ; bàn tay, bàn chân tấy đỏ; đau đầu, hoa mắt chóng mặt; hạch bạch huyết to lên...
Ngoài ra, trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu gặp các triệu chứng nguy hiểm như: đau bụng dữ dội; khó thở; da, môi, móng tay tái xám (phụ thuộc vào tông màu da); rối loạn nhận thức; không tỉnh táo.
Khi gặp các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, xin tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn sâu. Các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm máu, chụp X-quang lồng ngực, siêu âm tim, ổ bụng... để tìm các vùng bị viêm, những dấu hiệu khác của MIS-C.
Bác sĩ có thể sẽ kê đơn làm giảm triệu chứng và dùng nhiều loại thuốc để trị viêm. Hầu hết trẻ em mắc MIS-C đều phải nhập viện điều trị, một số phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Phụ huynh có nghi ngờ về sức khỏe của con nhỏ, bao gồm cả Covid-19 và MIS-C, nên liên lạc ngay với bác sĩ để nhận hướng dẫn thăm khám phù hợp với quy định phòng dịch.
Bác sĩ Phan Thị Thu Minh thông tin thêm, hầu hết bệnh nhi mắc MIS-C ở nhóm tuổi 3-12 tuổi. Trong một số trường hợp, hội chứng còn xuất hiện ở trẻ lớn tuổi hơn và trẻ sơ sinh. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, MIS-C là biến chứng của Covid-19. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị phù hợp, hội chứng có thể dẫn tới các hệ lụy nghiêm trọng ở các cơ quan nội tạng thiết yếu như tim, phổi hoặc thận. Một số trường hợp hiếm gặp, MIS-C còn có thể dẫn tới tổn hại vĩnh viễn hoặc tử vong.
Bác sĩ Thu Minh nhận định, phát hiện, điều trị kịp thời, sử dụng các loại thuốc có thể kiểm soát viêm nhiễm giúp bé tránh bị tổn hại nội tạng lâu dài, đặc biệt là tổn hại tim mạch.
Phòng hội chứng viêm đa hệ thống do Covid-19
Nếu gia đình chưa được tiêm vaccine đầy đủ, hãy nghiêm túc thực hiện 5K để tránh lây nhiễm. Cụ thể như sau: Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong vòng ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn. Tránh tiếp xúc với người ho, hắt hơi, hoặc có những biểu hiện ốm, dễ lây nhiễm. Thực hiện giãn cách xã hội, phụ huynh, trẻ nhỏ nên đảm bảo khoảng cách 2 m với người khác khi ra khỏi nhà.
Đặc biệt, luôn đeo khẩu trang vải tại nơi công cộng. Ở những không gian trong nhà, ngoài trời có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, như các sự kiện tụ tập đông người, cả phụ huynh, trẻ nhỏ nên đeo khẩu trang che mũi, miệng.
Nhắc nhở trẻ tránh chạm vào mũi, mắt, miệng, che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho để tránh lây lan vi khuẩn.
Gia đình thường xuyên lau chùi, sát khuẩn các bề mặt, bao gồm cả những khu vực trong nhà như tay nắm cửa, công tắc điện, điều khiển từ xa, mặt bàn, bàn phím, vòi nước, bồn rửa, toilet. Gia đình giặt các đồ dùng bằng vải theo hướng dẫn cụ thể cho từng loại đồ, sử dụng chế độ giặt nước nóng nhất có thể của máy giặt, lưu ý giặt cả thú bông.
Lê Nguyễn