Ngày 12/12, BS.CKI Trần Lâm Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Thư mang song thai chung một bánh nhau, hai buồng ối. Chị từng sẩy thai nên bác sĩ đánh giá thai kỳ lần này nguy cơ cao, chỉ định khám, kiểm tra kích thước thai trên biểu đồ siêu âm mỗi hai tuần thay vì định kỳ hàng tháng.
Ở tuần thai thứ 16, siêu âm ghi nhận các chỉ số hai bào thai quá chênh lệch. Trong đó, một thai nhỏ hơn 67% so với thai còn lại, cảnh báo nguy cơ cao thai lưu.
Bình thường, một nhau thai chỉ hỗ trợ nuôi một bào thai. Khi xảy ra tình huống song thai chung bánh nhau sẽ dẫn đến hội chứng truyền máu song thai, thiếu máu - đa hồng cầu, bơm máu đảo ngược trong song thai hoặc thai chậm tăng trưởng chọn lọc.
Trường hợp chị Thư hai thai chênh lệch lớn được xác định thai giới tăng trưởng chọn lọc (selective fetal growth restriction - sFGR). Đây là tình trạng một bào thai có thể nhận được ít phần nhau thai hơn so với thai còn lại, lưu lượng máu và dinh dưỡng đến nuôi thai ít hơn khiến một thai chậm phát triển trong tử cung, khiến thai phát triển bất cân xứng. Tình trạng này thường gặp ở nhóm song thai một bánh nhau, tỷ lệ mắc được báo cáo khoảng 12-25%.
Bác sĩ Khoa cho biết trước đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều thai phụ mang song thai có mức chênh lệch bất thường ở khoảng 20-25%, cao nhất khoảng 40%. Trường hợp chênh lệch giữa hai thai tới 67% như chị Thư rất ít gặp.
Song thai chênh lệch cân nặng 25% trở lên nguy cơ cao dẫn đến thai lưu trong tử cung, tổn thương não, suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử, chậm phát triển tâm thần - vận động, sinh non tháng.
Với trường hợp chị Thư, mức chênh lệch thai nhi quá lớn. Bào thai bé hơn có nguy cơ chết trong buồng tử cung ở bất cứ giai đoạn nào, nếu sống sót khi chào đời có thể để lại di chứng nặng nề. Trường hợp một thai lưu trong tử cung, thai còn lại có thể thiếu máu nặng, tổn thương não. Tình huống xấu nhất là cả hai thai chết lưu.
Như vậy, để cứu một thai, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi kẹp tắc rốn của thai bé hơn. Sau can thiệp, bào thai còn lại phát triển bình thường, cân nặng tăng đều theo tuần.
Ở tuần 24, chị Thư mắc tiểu đường thai kỳ, đường huyết cao mất kiểm soát, thai nhi còn lại không tăng cân. Ê kíp xây dựng phác đồ điều trị đái tháo đường cho thai phụ bằng insulin.
Bác sĩ Khoa cho biết theo phác đồ thế giới, trường hợp song thai một bánh nhau đã được can thiệp trong tử cung, thời điểm chấm dứt thai kỳ lý tưởng là 34 tuần, chấp nhận nguy cơ non tháng. Tuy nhiên, chị Thư mong muốn được kéo dài thời gian thai nhi trong tử cung nhằm làm giảm nguy cơ non tháng, suy hô hấp và chấp nhận nguy cơ thai lưu trong tử cung.
Các bác sĩ cố gắng nuôi thai đến 37 tuần rưỡi thì quyết định mổ, đón bé trai chào đời nặng 2,6 kg, khỏe mạnh. Bào thai lưu trong tử cung người mẹ cũng được lấy ra, bác sĩ lau sạch buồng tử cung trước khi đóng vết mổ.
Theo Thư viện Y học Phụ nữ Toàn cầu, 80% các cặp song sinh có hai nhau thai, hai túi ối riêng biệt. Khoảng 20% còn lại chung một bánh nhau, trong đó chỉ 1% trường hợp chung một túi ối, 99% có hai túi ối như trường hợp chị Thư.
Một nghiên cứu trên gần 1.430 bà mẹ sinh con năm 2022-2021 đăng trên Tạp chí Sản Phụ khoa Mỹ năm 2022, về tác động của chia sẻ nhau thai và sự thông nối hai chiều lớn đối với chênh lệch cân nặng khi sinh ở các cặp song sinh một bánh nhau. Kết quả cho thấy 152 trong 449 trường hợp song thai chung bánh nhau có chênh lệch 20% về cân nặng sau sinh trở lên. Thai lớn hơn có phần bánh nhau nuôi dưỡng to hơn 2,2 lần thai còn lại.
Tăng trưởng của cặp song sinh có sự chênh lệch trong thai kỳ do nhiều yếu tố, gồm phía mẹ (dinh dưỡng, tử cung, nội tiết), bào thai (di truyền, trao đổi chất) và yếu tố nhau thai. Một bào thai nhận được ít phần nhau thai hơn so với thai còn lại, đồng nghĩa lưu lượng máu và dinh dưỡng đến nuôi thai ít hơn, dẫn đến sự chênh lệch cân nặng.
Bác sĩ Lâm Khoa khuyến cáo sản phụ mang song thai nói riêng hay đa thai nói chung đều có nhiều nguy cơ, cần theo dõi chặt chẽ. Thai phụ dễ có tình trạng bánh nhau cũng phân chia không đồng đều, thông nối mạch máu không cân bằng giữa hai thai dẫn đến các biến chứng trong song thai một nhau như hội chứng truyền máu trong song thai, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai thiếu máu - đa hồng cầu, thai không tim. Trong trường hợp bất thường việc giảm thai có chọn lọc được cân nhắc nhằm giảm tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho mẹ và bé.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |