Hai bé song sinh con của sản phụ Đào Thị Ngọc Nga (Hà Nội) hiện đã được 3 tháng, phát triển tốt và được xuất viện sau thời gian chăm sóc ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Sức khỏe của 3 mẹ con đều ổn định. Đây là trường hợp mà êkip bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa của bệnh viện phải liên tục túc trực gần bệnh viện, hủy mọi kế hoạch đi xa để sẵn sàng "đỡ đẻ" bất cứ khi nào được huy động.
Sản phụ mang thai lần đầu và là song thai. Tuy nhiên, khi khám thai định kỳ ở tuần 12, qua siêu âm, bác sĩ phát hiện 2 bé chung bánh rau và có hiện tượng chênh lệch ối, một thai phát triển chậm khoảng 40% so với thai còn lại. Với trường hợp này, chị được đề nghị đình chỉ thai nhỏ, giữ lại thai lớn. Mong muốn được tư vấn thêm phương án giữ con, chị Nga đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đơn vị đã điều trị thành công nhiều trường hợp thai sản phức tạp.
Theo ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, với tình trạng thai kỳ của sản phụ, nếu kéo dài có thể khiến một thai chết lưu, ảnh hưởng tới thai còn lại. Trong phần lớn các trường hợp, bác sĩ thường tiến hành đình chỉ một thai để đảm bảo thai còn lại phát triển tốt. Tuy nhiên, vì chị Nga còn kèm thêm hiện tượng rau tiền đạo trung tâm (bánh rau che lấp hoàn toàn cổ tử cung), nếu phẫu thuật đình chỉ một thai thì tỷ lệ thành công chỉ ở khoảng 70-80%, nguy cơ xảy ra biến chứng cao, thai được đình chỉ khó thoát ra ngoài, gây mất máu nhiều đồng thời nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
"Chúng tôi ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi bỏ không được, mà giữ lại cả hai thai là thách thức vô cùng lớn. Các bác sĩ căn cứ trên trang thiết bị, năng lực hiện tại và quyết định tiếp tục theo dõi cả hai thai, cố gắng giúp em bé được chào đời an toàn, mẹ khỏe mạnh", bác sĩ Hiền Lê nói và nhận định quyết định này không khác gì "ôm bom vào người".
Các bác sĩ đã chuẩn bị nhiều kịch bản tiên lượng cho trường hợp này, như sản phụ có thể xuất hiện hội chứng truyền máu song thai, rối loạn tăng huyết áp dẫn đến tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, băng huyết sau sinh... Thai nhi đối diện với các biến chứng liên quan đến bánh rau, thai chậm tăng trưởng do nhiễm trùng, sinh non... Vì vậy, cả êkip cần đảm bảo phải có mặt ở bệnh viện trong vòng 15 phút, sẵn sàng mổ khi có tình huống bất ngờ. Trong 100 ngày theo dõi thai kỳ sau đó cho thai phụ, bác sĩ Lê cùng đồng nghiệp hủy hết các chuyến công tác xa. Mọi người luôn túc trực, sắp xếp cuộc gặp chỉ cách bán kính bệnh viện hơn một km. "Mình đã nhận trách nhiệm với bệnh nhân, phải để cho họ và gia đình tin rằng, họ đặt niềm tin không sai chỗ", bác sĩ Lê nói.
Tuần thai thứ 31, thai phụ xuất hiện cơn gò tử cung. Đánh giá tình trạng khó giữ thai lâu, bác sĩ đề nghị bệnh nhân nhập viện theo dõi, dùng thuốc trưởng thành phổi, chống xuất huyết não cho thai nhi. Sau 2 ngày nhập viện, thai phụ ra máu và được chỉ định mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, lúc này sản phụ đã xuất hiện tình trạng rau cài răng lược, các gai rau xâm lấn vào cổ tử cung, làm tăng nguy cơ xuất huyết khi mổ, đồng thời khả năng giữ lại tử cung cho người mẹ càng khó khăn hơn. Với những trường hợp rau cài răng lược, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định mổ bắt con, cắt tử cung. Tuy nhiên, sản phụ mang thai lần đầu, trong khi một bé chẩn đoán chậm phát triển, bé còn lại chào đời ở tình trạng non tháng, đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe thì việc mạo hiểm mổ lấy thai và cắt tử cung cũng đồng nghĩa với việc chị Nga không còn cơ hội làm mẹ. Bác sĩ Hiền Lê lựa chọn phương án mạo hiểm: mổ lấy thai đồng thời cố gắng giữ lại tử cung cho chị Nga.
Các bác sĩ sản và sơ sinh giàu kinh nghiệm, cùng trang thiết bị hiện đại được huy động. Dự kiến ca phẫu thuật rau cài răng lược sẽ cần nhiều huyết tương, máu cho trường hợp sản phụ bị xuất huyết... êkip mổ đã chuẩn bị một lượng lớn máu cho cuộc mổ, sản phụ được truyền máu trước khi phẫu thuật. Sau 15 phút, hai bé nặng 900 g và 1.650 g lần lượt chào đời.
Ngay sau khi lấy thai an toàn, các bác sĩ ngay lập tức phẫu thuật loại bỏ bánh rau, cố gắng bảo tồn tử cung. "Xử trí rau cài răng lược bảo toàn tử cung là một phẫu thuật khó trong sản khoa, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm, thao tác phải nhanh và chính xác để phát hiện, chặn các xoang mạch nối bánh rau và tử cung, tránh gây tổn thương cho các mạch máu nuôi tử cung. Trong điều kiện sản phụ bị rau cài răng lược, xuất huyết nhiều, khó quan sát rõ thì đây là một thách thức rất lớn", bác sĩ Lê đánh giá.
Sau 90 phút, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công giúp mẹ tròn con vuông, bảo tồn tử cung cho sản phụ. "Quá trình giữ thai, sinh nở và bảo toàn tử cung cho chị Nga thuận lợi. Các bác sĩ đã dành nhiều tâm sức và khép lại với cái kết đẹp", bác sĩ Lê chia sẻ.
Hà Phượng