Trả lời:
Tuyến tụy là bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, nằm ở vị trí phía sau dạ dày, có hình dạng như cái búa, dài khoảng 15 cm. Tuyến tụy tiết ra dịch tụy là các enzyme hỗ trợ phân hủy thức ăn thành các nhóm chất chính để hấp thu vào cơ thể. Các bệnh liên quan đến tuyến tụy, bao gồm cả sỏi tụy đều ảnh hưởng trực tiếp đến hấp thu thức ăn, quá trình chuyển hóa.
Cơ quan này còn có chức năng duy trì mức đường huyết ổn định cho cơ thể. Tuyến tụy sản xuất các loại hormone nhằm duy trì nồng độ đường huyết như hormone insulin giúp giảm đường huyết khi quá cao, hormone glucagon để tăng đường huyết nếu mức thấp.
Sỏi tụy là tình trạng tuyến tụy xuất hiện sỏi, là bệnh về tụy phổ biến. Sỏi tụy có thể là hệ quả do cơ thể dư thừa lượng canxi trong thời gian dài. Canxi thừa tích tụ và tạo thành sỏi bên trong tuyến tụy. Biến chứng của bệnh sỏi mật hoặc viêm tụy mạn tính cũng dễ hình thành sỏi.
Sỏi tụy không biểu hiện triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Nếu sỏi phát triển gây ra các dấu hiệu như đau ở thượng vị (trên rốn), thường khoảng 15-30 phút sau bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu. Người bệnh có thể bị sốt cao và kéo dài khi có tình trạng nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn ống tụy, buồn nôn và nôn khi đau bụng cấp tính, chướng hoặc căng tức bụng... Cơn đau có thể lan rộng ra 1/4 bụng trên trái và sau lưng.
Sỏi tụy ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Nếu không điều trị sỏi tụy khiến tụy bị suy yếu, chức năng tiết ra enzyme và các hormone giảm. Người bệnh không thể hấp thụ được dinh dưỡng đầy đủ, lâu dần suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và kiệt sức.
Khi tụy có sỏi, lượng đường trong máu thường không ổn định. Viêm tụy do sỏi tụy còn làm tăng nguy cơ nang giả tụy, khối viêm chèn ép cấu trúc lân cận, giả phình mạch máu. Sỏi tụy cũng có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Bạn nên đi khám để bác sĩ đánh giá cụ thể tình trạng hiện tại, cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhẹ, kích thước sỏi tụy không quá lớn, người bệnh chỉ cần dùng thuốc kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì vận động để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trường hợp không đáp ứng điều trị nội khoa và có tắc nghẽn ống tụy chính, đoạn gần tá tràng có dãn ống tụy sau chỗ tắc nghẽn, bác sĩ có thể chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic retrograde cholangiopancreatography - ERCP). Phương pháp này giúp tán sỏi tụy kích thước lớn vỡ thành mảnh nhỏ và lấy ra ngoài. Trường hợp sỏi có kích thước dưới 0,3 cm, bác sĩ lấy sỏi bằng rọ qua cắt cơ vòng oddi.
Phẫu thuật được cân nhắc khi người bệnh đau bụng kéo dài, dữ dội, không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa. Các phương pháp phẫu thuật như dẫn lưu ống tụy, cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy, tùy vào mức độ bệnh của từng người. Người bệnh sau khi cắt bỏ tuyến tụy cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Khoa
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |