ThS.BS Lê Minh Thùy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau bụng trên rốn thường xảy ra ở vùng nằm giữa xương sườn và rốn, chủ yếu liên quan đến các tổn thương ở dạ dày, gan, lách, tụy, túi mật, ống dẫn mật, cơ bụng, phúc mạc, thận, niệu quản.
Tùy vào nguyên nhân, người bệnh có thể đau bụng trên rốn ở bên trái (góc phần tư phía trên bên trái ngăn cách với vùng bụng bên phải bởi xương ức, chứa dạ dày, tụy và lách), phía trên bên phải (góc phần tư phía trên bên phải chứa hầu hết cơ quan liên quan đến hệ thống mật, chứa túi mật, tụy, gan và ống dẫn mật). Người bệnh cũng có thể đau vùng thượng vị (liên quan đến hệ thống mật hoặc hệ thống ống tiêu hóa).
Theo bác sĩ Thùy, đau bụng trên rốn có thể xuất phát từ các nguyên nhân dưới đây.
Khó tiêu là nguyên nhân điển hình gây đau và nóng rát vùng thượng vị. Tình trạng này chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, triệu chứng bệnh viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản.
Đau bụng trên rốn do khó tiêu thường gặp, không đáng lo ngại, có thể cải thiện bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà hoặc dùng thuốc. Một số cơn đau cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh như nhồi máu cơ tim, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, loét dạ dày, viêm gan cấp... Những trường hợp đau này đều nghiêm trọng, cần được khám, điều trị kịp thời để tránh biến chứng về sau.
Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra do nhiễm vi khuẩn, chủ yếu là xoắn khuẩn Helicobacter pylori (HP). Triệu chứng gồm đau bụng trên rốn, nóng rát, cồn cào khó chịu.
Thoát vị là tình trạng một tạng trong bụng như mạc nối, ruột, không nằm ở vị trí thông thường mà chui vào một vùng thành bụng yếu do lớp mô liên kết bị rách hay yếu đi như thoát vị hoành.
Thoát vị có thể gây đau bụng trên rốn. Tình trạng này dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây thiếu máu nuôi, hoại tử, nhiễm trùng. Nếu các tạng đi vào trong khoang lồng ngực dẫn đến chèn ép tim, phổi dẫn đến suy hô hấp.
Sỏi mật mắc kẹt trong đường mật là nguyên nhân gây nhiễm trùng, thường gặp nhất là viêm túi mật cấp và viêm tụy cấp. Người bệnh bị đau quặn mật, đau dữ dội, sau đó giảm dần, xảy ra từng đợt, chủ yếu là sau khi ăn.
Phương pháp điều trị đau vùng bụng trên rốn được chỉ định tùy thuộc vào nguyên nhân được chẩn đoán. Người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện triệu chứng khó tiêu. Nếu triệu chứng không giảm hoặc cơn đau cảnh báo bệnh nghiêm trọng khác, người bệnh cần được điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Đau bụng trên rốn có thể được phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên trái cây, rau củ quả, ngũ cốc, ăn chậm nhau kỹ, uống đủ nước. Tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, rửa tay thường xuyên để tránh lây lan vi khuẩn, không hút thuốc lá, uống rượu bia... cũng hạn chế rủi ro mắc bệnh.
Bác sĩ Thùy khuyến cáo người có các triệu chứng trên nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |