Trả lời:
Sỏi bùn túi mật hay cặn bùn túi mật là tình trạng các chất tích tụ bên trong túi mật do cholesterol, muối canxi hoặc bilirubin lắng đọng lâu ngày. Về bản chất, cặn bùn túi mật không phải là vấn đề nghiêm trọng có thể tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi bùn túi mật có nguy cơ dẫn đến sỏi mật gây viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy. Đa số người bệnh được phát hiện khi siêu âm.
Sỏi bùn túi mật hầu như không biểu hiện triệu chứng. Trường hợp phát hiện bệnh trong quá trình chẩn đoán các bệnh lý liên quan như viêm tụy cấp tính, người bệnh có thể bị đau ở vùng bụng trên bên phải (thường xuất hiện sau bữa ăn), đau ngực (đau xương ức, thậm chí đau vai phải), nôn và buồn nôn, phân mỡ hoặc phân xám đen. Sỏi bùn xuất hiện trong giai đoạn mang thai thường biến mất khi thai kỳ kết thúc mà không cần can thiệp điều trị.
Để phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần phát hiện và chữa kịp thời, ngăn ngừa hình thành sỏi mật. Sỏi mật phát triển lâu ngày có nguy cơ gây tắc nghẽn đường mật, viêm túi mật, viêm tụy cấp tính. Tình trạng viêm lâu ngày có khả năng dẫn đến phản ứng toàn thân, nhiễm trùng, sốc, tử vong nếu sỏi kẹt ống tụy.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của sỏi bùn túi mật, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu ở mức độ nhẹ, người bệnh cần thay đổi lối sống khoa học, kiêng rượu bia, ăn ít chất béo và cân nặng ổn định.
Trường hợp sỏi rơi và kẹt ở ống mật chủ, bác sĩ nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP) lấy sỏi. Phẫu thuật áp dụng khi người bệnh đau dữ dội liên quan đến sỏi bùn túi mật hoặc khi sỏi mật đã hình thành, gây ra các triệu chứng viêm túi mật nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Trường hợp của mẹ bạn phát hiện sỏi bùn túi mật nhưng chưa có triệu chứng nên không cần điều trị. Tuy nhiên mẹ bạn cần duy trì chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi.
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Phú Xuân
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |