Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sinh thiết gan được thực hiện để chẩn đoán các vấn đề về gan chưa thể xác định chính xác nguyên nhân hoặc không rõ tổn thương đó là lành tính hay ác tính bằng các phương pháp xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh...
Sinh thiết gan giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh (giai đoạn) và tốc độ tiến triển của bệnh (phân loại), từ đó xây dựng kế hoạch điều trị dựa trên loại, giai đoạn, cấp độ, dự đoán kết quả điều trị (tiên lượng). Người bệnh có thể được sinh thiết gan khi có khối u ở gan.
Theo bác sĩ Khanh, những phương pháp không xâm lấn như siêu âm, đo độ đàn hồi gan có nhiều tiến bộ, nhưng sinh thiết vẫn là tiêu chuẩn "vàng" để chẩn đoán, phân biệt nhiều bệnh về gan như bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan...
Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ phân lập các nguyên nhân hoặc loại bệnh cụ thể như bệnh gan liên quan đến rượu, viêm gan tự miễn, ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư hạch hodgkin, viêm đường mật nguyên phát, viêm gan nhiễm độc, viêm gan virus B hoặc C.
Có nhiều chỉ định sinh thiết gan, được chia thành ba loại chính:
Chẩn đoán: Sinh thiết gan quan trọng khi chẩn đoán khó khăn. Ví dụ phân biệt viêm gan tự miễn với viêm gan nhiễm mỡ không do rượu ở bệnh nhân béo phì có xét nghiệm chức năng gan bất thường và huyết thanh tự miễn dịch dương tính.
Phương pháp sinh thiết hữu ích khi có các hội chứng chồng chéo như viêm gan tự miễn với viêm đường mật nguyên phát. Sinh thiết gan cũng dùng để đánh giá các xét nghiệm chức năng gan bất thường ngay sau ghép gan. Trong những trường hợp không điển hình để phân biệt ung thư đường mật với ung thư tế bào gan, sinh thiết gan có thể được thực hiện.
Tiên lượng: Sinh thiết gan có thể sử dụng như công cụ tiên lượng cho một số bệnh, gồm gan nhiễm mỡ không do rượu tiến triển xơ gan, nhiễm sắc tố sắt mô, viêm gan virus.
Điều trị: Sinh thiết gan đóng vai trò quan trọng với người mắc bệnh viêm gan tự miễn đang được điều trị bằng steroid và thuốc điều hòa miễn dịch.
Hiện, có ba loại sinh thiết gan được áp dụng phổ biến hiện nay là sinh thiết qua da dưới hướng dẫn của siêu âm. Quá trình sinh thiết chỉ mất vài chục giây bởi kim đi nhanh vào và ra khỏi gan.
Sinh thiết qua tĩnh mạch: Bác sĩ bôi thuốc gây tê vào một bên cổ của người bệnh. Sau đó rạch vết mổ nhỏ, luồn ống nhựa dẻo vào tĩnh mạch cổ và đưa vào tĩnh mạch trên gan. Bác sĩ luồn kim sinh thiết qua ống để lấy ra một hoặc nhiều mẫu gan. Phương pháp này có thể tiến hành an toàn kể cả khi chức năng đông máu của gan suy giảm.
Trong quá trình sinh thiết nội soi, người bệnh được gây mê toàn thân. Bác sĩ rạch một hoặc nhiều vết mổ nhỏ ở bụng người bệnh, đưa các dụng cụ đặc biệt qua các vết mổ để lấy mẫu mô dưới sự hỗ trợ của camera nhỏ. Vết mổ được đóng lại bằng các mũi khâu sau khi dụng cụ và mẫu mô gan được lấy ra ngoài. Phương pháp này ít được làm riêng lẻ, thường trong quá trình phẫu thuật nội soi thì tiến hành kết hợp với sinh thiết gan.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm sau khi lấy mẫu, mô gan được đánh giá bởi các bác sĩ giải phẫu bệnh. Dựa vào kích thước và hình dạng của tế bào gan và các yếu tố khác, sinh thiết có thể cho biết nguyên nhân tổn thương gan, lành tính hay ác tính.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |