Chị Ngân thụ tinh trong ống nghiệm đậu thai ngay lần đầu và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Con trai chị chào đời hôm 6/8, nặng 3,2 kg. "Tôi toại nguyện ước mơ làm mẹ", chị hạnh phúc nói.
BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại Phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết đây là trường hợp đầu tiên tại khoa được phẫu thuật bảo tồn buồng trứng và sinh con khỏe mạnh.
Năm 2018, chị Ngân mắc ung thư buồng trứng trái giai đoạn 1C, được phẫu thuật cắt phần phụ trái chứa khối u, bảo tồn buồng trứng phải và hóa trị 4 đợt sau mổ tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Hai năm trước, trong quá trình theo dõi sau mổ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bác sĩ phát hiện chị có khối u, nghi ngờ ở buồng trứng phải. Chị đã cắt buồng trứng trái, nếu phẫu thuật cắt cả buồng trứng phải sẽ mất khả năng làm mẹ bằng noãn tự thân. Trong tình huống này, giải pháp duy nhất là trữ đông trứng hoặc trữ đông phôi trước khi mổ.
Trước khao khát mong con của chị Ngân, ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, phối hợp êkíp Sản Phụ khoa, Ung bướu và sự hỗ trợ từ Bệnh viện Ung bướu TP HCM để kích thích buồng trứng, chọc hút trứng. Kết quả thu 7 noãn và tạo được hai phôi ngày 5 loại tốt để trữ đông.
Chị đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM phẫu thuật lần hai cắt bỏ buồng trứng còn lại chứa khối u. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là u lành tính. Tuy nhiên, mất hết hai buồng trứng đồng nghĩa chị không còn hành kinh, buồng trứng không còn sản xuất nội tiết. Chị mãn kinh dù chưa tròn 30 tuổi.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, tái khám cho chị Ngân, xác định chị có thể mang thai dù khó khăn hơn người bình thường.
Do chị Ngân không còn hành kinh nên bác sĩ Mỹ Nhi chỉ định sử dụng thuốc bổ sung nội tiết. Gần một năm sau, chị Ngân được bác sĩ Như canh niêm mạc tử cung để chuyển phôi. Sau ba lần hủy chu kỳ vì niêm mạc chưa đạt yêu cầu, tháng 11 năm ngoái, chị Ngân được chuyển phôi và đậu thai.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết với sự tiến bộ y khoa, bệnh nhân ung thư buồng trứng có thể sinh con bằng chính trứng của mình. Những trường hợp nữ giới nghi ung thư buồng trứng có chỉ định phẫu thuật nhưng chưa đủ tuổi trữ trứng hoặc phụ nữ chưa có điều kiện trữ trứng, êkíp thực hiện sinh thiết lạnh trong lúc mổ để quyết định cắt bỏ buồng trứng triệt để hay chỉ cần bóc khối u ngay trong lần mổ đầu tiên. "Kỹ thuật sinh thiết lạnh cho hiệu quả chẩn đoán chính xác hơn 93%, giúp người bệnh tránh tình huống cắt buồng trứng dù kết quả sau đó là u lành tính", bác sĩ nói.
Sinh thiết lạnh cũng giúp kíp mổ cân nhắc bảo tồn buồng trứng còn lại, nhằm duy trì chức năng sinh sản trước khi giải quyết triệt để bướu và xạ trị, hóa trị bổ sung nếu có chỉ định, tránh thêm một cuộc mổ cho người bệnh.
Ngoài ra, phụ nữ có thể chọn đông lạnh trứng hoặc phôi trước khi bắt đầu điều trị ung thư để có thể mang thai sau này. Trữ đông phôi hoặc trứng (bảo quản lạnh tế bào trứng đã trưởng thành) là phương án bảo tồn chức năng sinh sản của người phụ nữ trong tương lai.
Theo bác sĩ Như, cần đông lạnh trứng trước vì sau mổ, hóa xạ trị có thể làm tổn thương hoặc phá hủy buồng trứng, giảm số lượng và chất lượng trứng. Điều này khiến phụ nữ khó có thai hoặc không thể mang thai tự nhiên.
Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm không có triệu chứng cảnh báo, người bệnh thường tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát hoặc ung thư giai đoạn trễ. Khối u to, một số biểu hiện có thể xuất hiện như đầy bụng khó chịu, dịch trong bụng nhiều, bụng to nhanh bất thường...
Hiện, không có biện pháp nào để tầm soát được ung thư buồng trứng. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhân thường đến viện trễ chiếm khoảng 75-80%, chỉ 20-25% được chẩn đoán giai đoạn sớm. Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ngay khi có bất thường vùng bụng cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ để được khám, điều trị sớm.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |