Ngày 2/2, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, nhấn mạnh vai trò của sinh thiết lạnh (frozen section) là giúp bác sĩ xác định nhanh bản chất lành hay ác của khối u, loại ung thư và mức độ phẫu thuật thế nào phù hợp. "Giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư", bác sĩ Mỹ Nhi nói.
Sinh thiết lạnh được thực hiện dựa trên nguyên lý làm lạnh khiến cho nước có trong mô đông đá và tạo thành khung bảo vệ mẫu mô bên trong. Khi đó, mô có độ cứng và dễ dàng được cắt mỏng.
Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sử dụng máy sinh thiết lạnh. Đây là thiết bị cắt lát vi thể và bên trong buồng kín của máy luôn được làm lạnh ở nhiệt độ thấp. Máy cắt lát vi thể có khả năng cắt mô thành những lát rất mỏng với độ chính xác cao.
Thời gian thực hiện kỹ thuật sinh thiết lạnh ngắn hơn rất nhiều so với các kỹ thuật đọc mô truyền thống thường quy, chỉ khoảng 20 -30 phút, cần có thiết bị hiện đại để đạt được kết quả sinh thiết tối ưu. Hiệu quả chẩn đoán chính xác có thể lên đến hơn 93%, theo bác sĩ Mỹ Nhi.
Nhiều bệnh nhân trẻ chưa có con hoặc chưa có đủ số con, phát hiện u buồng trứng. Các bác sĩ thực hiện sinh thiết lạnh để quyết định ngay trong lần mổ đầu tiên, cắt bỏ buồng trứng triệt để hay chỉ cần bóc lấy khối u. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân tránh tình trạng cắt một buồng trứng, trong khi kết quả sau đó lại là bướu lành.
Đơn cử, chị Tâm, 27 tuổi, hiếm muộn 5 năm, có khối u buồng trứng. Cách đây nửa năm, chị Tâm khám hiếm muộn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phát hiện u buồng trứng kích thước nhỏ 2-3 cm, theo dõi, tuy nhiên chị không tái khám. Đầu năm nay, chị quay lại bệnh viện điều trị vô sinh. Lúc này, khối u buồng trứng tăng gấp đôi kích thước nghi ngờ ác tính, chị phải ngưng chữa vô sinh.
Bác sĩ Nhi cho biết buồng trứng bên phải người bệnh có khối u kích thước khoảng 4-5 cm, các kết quả chẩn đoán hình ảnh (siêu âm/MRI) gợi ý nguy cơ ác tính 50% (u quái chưa trưởng thành). Phương án phẫu thuật cắt một bên buồng trứng là giải pháp an toàn cho chị Tâm. Tuy nhiên, chị chưa có con, hiếm muộn nhiều năm, nếu mất đi một bên buồng trứng sẽ ảnh hưởng chức năng nội tiết (là tuyến nội tiết ra nội tiết tố nữ) và ngoại tiết (phóng noãn), làm giảm cơ hội làm mẹ. Do đó bác sĩ cân nhắc kỹ khi cắt bỏ buồng trứng của người bệnh.
Cuối cùng, ê kíp chọn phẫu thuật nội soi kiểm tra, bóc u và làm sinh thiết lạnh. Nhờ phương pháp xét nghiệm này, bệnh nhân không phải mổ lại lần hai nếu không may khối u ác tính, vì ngay khi có kết quả ác tính được thông báo, kíp mổ sẽ phẫu thuật xử lý ung thư buồng trứng giai đoạn sớm cho người bệnh còn trẻ và chưa có con.
Giải phẫu u buồng trứng của chị Tâm sau sinh thiết lạnh cho kết quả u quái trưởng thành lành tính, các bác sĩ kết thúc cuộc mổ. Chị Tâm không bị cắt buồng trứng, chức năng sinh sản được bảo tồn.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, chỉ định cắt bỏ buồng trứng ở phụ nữ trẻ khi buồng trứng có vấn đề như u nang, lạc nội mạc, áp xe, u xoắn và hoại tử, và khi siêu âm nghi ngờ u không lành tính... Các tình trạng này đều ảnh hưởng lớn trên sức khỏe sinh sản của người bệnh.
Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cảnh báo, người bệnh thường tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát. Khi khối u to, một số triệu chứng có thể xuất hiện như đầy bụng khó chịu, dịch trong bụng nhiều, bụng dưới lớn nhanh bất thường...
Hiện nay không có biện pháp nào để tầm soát được ung thư buồng trứng. Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng hoặc ngay khi có bất thường vùng bụng để tầm soát nguy cơ mắc bệnh.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi